Giám đốc quốc gia ADB khuyến nghị về chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam

(PLO) - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng Việt Nam đặt chỉ tiêu về tăng trưởng là điều tốt và quan trọng là phải đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không quá nóng, không để lại những hệ lụy cho sau này.
Chuyên gia ADB khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng bền vững.
Chuyên gia ADB khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng bền vững.

3 thách thức lớn nhất

Phát biểu trên được ông Sidgwick đưa ra tại cuộc họp báo về Chiến lược và Chương trình Hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra sáng qua (11/10). Ông Sidgwick nhận định Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng; tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình trên 6,5%/năm trong giai đoạn 1991–2015) đã làm thay đổi đất nước, từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.109 USD; thành tựu giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục tiến bộ nhanh chóng. 

Tuy nhiên, ông Sidgwick cho hay, Chiến lược đối tác quốc gia Việt Nam (CPS) giai đoạn 2016-2020 của ADB xác định 3 thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải giải quyết trong 5 năm tới, bao gồm: năng suất thấp và phân bổ nguồn lực không hiệu quả; bất bình đẳng trong tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội có chất lượng; sử dụng tài nguyên bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Ông Sidgwick nhấn mạnh, để giúp Chính phủ giải quyết những thách thức này, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được 3 kết quả chủ chốt. “Đó là thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng cường sự đồng đều trong cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, đồng thời cải thiện tính bền vững môi trường và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu” – ông nói. 

Theo dự kiến, giai đoạn 2016-2020, ADB sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay 1 tỉ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 5-7 triệu USD một năm. ADB cho biết sẵn sàng tăng quy mô hỗ trợ nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu, đồng thời tập trung huy động vốn từ các quỹ khí hậu toàn cầu cho Việt Nam.

Trình bày cụ thể về CPS giai đoạn 2016-2020 của ADB, ông Aaron Batten – chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB - cho biết, y tế và giáo dục vẫn là ưu tiên trong các lĩnh vực ADB sẽ hỗ trợ cho Việt Nam. “Song, việc hỗ trợ này sẽ có thay đổi. Giáo dục sẽ xoáy vào trung học và hỗ trợ cho Chính phủ cải thiện giáo dục đào tạo nghề, đại học để nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp thanh niên trẻ Việt Nam chuẩn bị tốt hơn khi tìm việc làm” – ông cho hay. Trong lĩnh vực y tế, ông Batten nói rằng, hỗ trợ của ADB cho Việt Nam sẽ dịch chuyển hướng đến chương trình bảo hiểm y tế toàn dân của Chính phủ, đảm bảo người dân tiếp cận với các dịch vụ một cách đồng đều hơn.

Tốc độ tăng trưởng không phải là tất cả

Tại cuộc họp báo, khi được đề nghị bình luận về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay được nêu trong báo cáo mà Chính phủ trình lên Quốc hội hồi tuần trước, ông Sidgwick cho rằng, đối với kinh tế của một nước, tốc độ tăng trưởng không phải là tất cả mà quan trọng hơn là chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng. “Việt Nam có chỉ tiêu về tăng trưởng, xuất khẩu. Thế thì cũng tốt nhưng quan trọng là tăng trưởng có bền vững, có được lâu không; phải đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không quá nóng, không để lại những hệ lụy cho sau này” – ông nhấn mạnh.

Về lo ngại khủng hoảng nợ công, tài khóa ở Việt Nam trong những năm tới, ông Sidgwick cho hay ông không nghĩ sẽ có khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, trước việc mức nợ công đã gần đến ngưỡng 65% GDP Quốc hội đề ra, ông cho rằng Việt Nam cần gấp rút giải quyết vấn đề này bằng cách cân đối lại thu – chi ngân sách.

“Đầu tiên, Chính phủ có thể nhìn vào phần thu ngân sách để xem phần thuế đã tương xứng với mức độ lẽ ra cần phải có ở trình độ phát triển và quy mô phát triển của Việt Nam hay chưa, xem nguồn thu từ thuế có dư địa tăng không, xem xét những biện pháp miễn thuế có ảnh hưởng đến ngân sách như thế nào và có cần duy trì không?” – ông khuyến nghị. Ông nói thêm rằng việc tăng thu thuế không có nghĩa là tăng thuế suất hay áp dụng thuế mới mà là có thể tăng thêm diện thu thuế. 

Ông cũng khuyến nghị Chính phủ xem xét các cấu phần trong chi ngân sách, trong đó có tiền lương cho bộ máy công chức, đánh giá xem liệu phần lương này có hợp lý hay không; đồng thời chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của các khoản đầu tư từ ngân sách.

Việt Nam chưa có kế hoạch xử lý nợ xấu

Ông Dominic Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB – chỉ ra, thực chất nợ xấu của các ngân hàng ở Việt Nam đã được lấy ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng và đưa về VAMC chứ Việt Nam chưa có hành động để xử lý những khoản nợ xấu này. “Do đó, Việt Nam có nhiều việc phải làm như đưa ra các quy định để tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho việc xử lý những khoản nợ xấu. Việt Nam cũng phải có kế hoạch minh bạch và rõ ràng trong hoạt động này nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy kế hoạch như vậy ở thời điểm này”. Đại diện của ADB cũng cho hay ngân hàng này trong thời gian tới sẽ có những hỗ trợ để các ngân hàng thương mại của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về phân loại những khoản vay và xử lý ốt những khoản vay này, tránh “vết xe đổ” của các ngân hàng lớn, tích thêm nợ xấu.

Đọc thêm