Giảm giá FIT điện gió: Doanh nghiệp trong nước bị lấn át

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là quan điểm của ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Pháp luật Việt Nam về Dự thảo chính sách giá điện gió mới của Bộ Công Thương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xin ông cho biết quan điểm của Euro Cham về chính sách giá điện gió hiện nay và kế hoạch về cơ cấu giá sắp tới của Việt Nam?

- Biểu giá bán điện năng cố định hỗ trợ (FIT) mới do Bộ Công Thương đề xuất cho các dự án năng lượng gió trên bờ và gần bờ vận hành thương mại từ tháng 11/2021-10/2022 có mức giá thấp hơn khoảng 17% so với mức có hiệu lực đến tháng 10/2020.

Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), đây là một trong những mức giảm mạnh nhất tính đến thời điểm hiện nay trên thị trường năng lượng gió toàn cầu. Mặc dù chi phí của công nghệ điện gió và xây dựng nhà máy đã giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa giảm đủ nhiều để có thể đưa ra mức cắt giảm cao như thế này. 

Vậy theo ông, giá FIT điện gió đang được đề xuất giảm sẽ tác động như thế nào đến phát triển điện gió ở Việt Nam và đến doanh nghiệp đầu tư?

- Điều đầu tiên có thể nhìn thấy là việc giảm giá FIT sẽ khiến các nhà đầu tư phải xem xét lại kế hoạch đấu thầu các dự án năng lượng điện gió và theo GWEC, vị trí thị trường năng lượng gió hàng đầu của Việt Nam sẽ gặp rủi ro. Đặc biệt, sự thay đổi về biểu giá có thể có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành gió. Điều này gây khó khăn hơn trong việc thu hút đầu tư và ảnh hưởng đến khả năng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong việc phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.

Ngoài ra, một tác động khác nữa có thể xảy ra, là các công ty lớn có nguồn lực và bí quyết kỹ thuật để phát triển năng lượng gió ngoài khơi sẽ tăng thị phần. Thị trường điện gió của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Đặc biệt, chi phí sản xuất năng lượng ngoài khơi vẫn cao bên cạnh các rào cản kỹ thuật cao. Do đó, việc giảm FIT, trên thực tế, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp quốc tế lớn có khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, lấn át các công ty trong nước.

Bên cạnh đó, trong thập kỷ tới, Quy hoạch điện VIII với dự kiến sản xuất 8 GW điện gió khó có thể hoàn thành bởi nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kết hợp với sự tái cơ cấu (theo chiều hướng giảm) của FIT. Chính vì vậy, trừ khi có các chính sách mới được áp dụng, nếu không GWEC ước tính rằng sản lượng mục tiêu này sẽ chỉ đạt được 50%.

Vậy FIT có phải yếu tố tiên quyết trong quyết định đầu tư điện gió, thưa ông?

- FIT không phải là yếu tố có tác động quan trọng duy nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế. Khả năng chiết khấu ngân hàng và phạm vi hoạt động của các Thỏa thuận mua bán điện (PPA), tính chắc chắn liên quan đến các thủ tục hành chính, việc bố trí sử dụng đất và khả năng dự đoán dài hạn về lợi nhuận đầu tư cũng là những yếu tố quan trọng được cân nhắc đến khi quyết định đầu tư. 

Yếu tố dài hạn mang tính đặc biệt quan trọng, vì ngay cả các dự án năng lượng điện gió trên bờ cũng mất khoảng hai năm để đi vào hoạt động. Trong khi đó, để khuyến khích đầu tư hơn nữa trong tương lai, Chính phủ có thể cho phép các nhà sản xuất bán nhiều điện sau công tơ hơn hoặc các DPPA (cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch trực tiếp) cho người tiêu dùng, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sức mua của EVN từ các trang trại điện gió quy mô lớn. Chính sách này có thể giảm chi phí cho tất cả mọi người và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Về cơ bản, chính sách giá sẽ tác động đến người tiêu dùng cuối. Nếu giảm được giá mua các nguồn điện, người tiêu dùng cuối sẽ không bị áp lực về chi phí giá điện. Đây có thể là một lý do khiến cho Bộ Công Thương đưa ra dự thảo chính sách giá FIT điện gió giảm? Ông có chia sẻ gì về quan điểm này?

- Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa giá mà EVN trả và giá mà họ tính cho người tiêu dùng, đây là kết quả của việc trợ giá năng lượng. Về trung hạn, trợ cấp năng lượng cuối cùng không bền vững là do mức tăng tiêu thụ năng lượng trong tương lai của Việt Nam - hệ quả của sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Tất nhiên, những người dùng có thu nhập thấp hơn vẫn nên được bảo vệ.

Tuy nhiên, đối với các hộ tiêu thụ điện khác, đặc biệt đối với những người sử dụng năng lượng nặng như các nhà sản xuất thép và xi măng công nghiệp quy mô lớn - biểu giá cần được điều chỉnh để đảm bảo một thị trường năng lượng bền vững trong dài hạn. Việt Nam có tiềm năng tự nhiên rất lớn để phát triển điện gió, cùng với đội ngũ kỹ thuật viên tay nghề cao. Ngoài ra, với môi trường pháp lý phù hợp, năng lượng gió có thể là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và hỗn hợp năng lượng của đất nước. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đọc thêm