Giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

(PLO) - Từ hôm nay (29/10), lãi suất huy động bằng VND và USD sẽ chính thức giảm, đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số số lĩnh vực, ngành kinh tế sẽ giảm thêm 1%. Ngân hàng Nhà nước cũng hiệu triệu các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống tối đa 10%/năm…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ giảm từ 1%/năm xuống 0,75%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế sẽ giảm từ 8%/năm xuống còn 7%/năm…
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - khẳng định: NHNN vẫn giữ ổn định các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng (NH) và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH.
Quyết định điều chỉnh lãi suất vào thời điểm này, theo bà Hồng, là căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động NH, nhằm chia sẻ khó khăn với các DN.
Mặc dù không có quyết định chính thức về điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn song trước báo giới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng truyền đạt lời Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kêu gọi các NH giảm lãi suất trung và dài hạn xuống tối đa 10%/năm. 
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng 
Đại diện 4 NH trụ cột của hệ thống NH Việt Nam gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank đã cam kết sẽ điều chỉnh từ 10,5%/năm hiện nay xuống 10%/năm. “Chúng tôi sẽ phải tiết giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với DN...” - bà Bùi Như Ý, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết.
Với các NH thương mại khác, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tùy theo tình hình tài chính, các NH cân nhắc mức lãi suất cho vay.
NHNN cũng cho biết, sau khi điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN vào tháng 3/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực giảm.
Về tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,85% so với cuối năm 2013, đạt gần 70% mục tiêu của cả năm và khả năng mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ đạt 12%. Ông Đông cũng nhấn mạnh, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. 
Đại diện NHNN khẳng định, trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, NHNN đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD, chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, lãi suất với khách hàng, ban hành và triển khai kịp thời chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội...
Trả lời câu hỏi của Báo PLVN về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH hiện nay và các giải pháp đưa nợ xấu về mức 3%/năm vào năm 2015 như mục tiêu Chính phủ đề ra, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH là 3,88%,  thấp hơn mức 4,17% hồi cuối tháng 6, mức 4,1% hồi cuối tháng 7 và mức 3,9% hồi cuối tháng 8. 
“Như vậy, tỷ lệ nợ xấu 4 tháng qua đã có sự chuyển biến tích cực. Để giảm nợ xấu xuống như mục tiêu Chính phủ đề ra, NHNN sẽ triển khai nhiều giải pháp: Thứ nhất, tích cực chỉ đạo  các TCTD trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; thứ hai, kiểm soát gia tăng nợ xấu trên cơ sở thẩm định dự án và sau cho vay; thứ ba, xử lý nợ xấu qua VAMC” - bà Hồng nói.

Đọc thêm