Giằng co giữa thu ngân sách và năng lực tài chính của các ngân hàng

(PLO) - Nằm trong khoản thu ngân sách năm 2016 song khoản cổ tức được chia để lại là nguồn tăng vốn quan trọng cho các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN). Nếu không được tăng năng lực tài chính, những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế là điều khó tránh khỏi khi hệ số an toàn vốn (CAR) của khối NHTMNN chỉ còn lại 0,4% dư địa để tăng trưởng tài sản có rủi ro (TSCRR) trước khi chạm ngưỡng quy định.
Giằng co giữa thu ngân sách và năng lực tài chính của các ngân hàng

Thu từ cổ tức: Mới được 25% dự toán

Theo Nghị quyết 99/2015/QH13 của Quốc hội về giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, thu từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng.

Hiện phần vốn nhà nước tại BIDV là hơn 95,28% còn tại VietinBank là 64,46%. Theo ước tính của Công ty chứng khoán HSC, giả sử hai nhà băng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ lần lượt là 8,5% và 8%, sẽ thu về cho NSNN khoảng 4.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 ngân hàng này đã triển khai Đại hội đồng cổ đông và thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu trước khi Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trao đổi với báo chí hôm 15/6, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn cho biết, số thu từ cổ tức sau 5 tháng đầu năm đạt khoảng 13.500 tỷ đồng, so với dự toán chỉ mới đạt khoảng 25%. Lý giải về việc thu kém, ông Phụng cho rằng, nhiều công ty hiện mới trong giai đoạn “rục rịch” tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Bên cạnh đó một số dòng tiền không thể về ngân sách ngay.

Ông Phụng cũng khẳng định, thu cổ tức cần được thực hiện theo luật và phụ thuộc vào Đại hội đồng cổ đông quyết định chia hay không và chia bao nhiêu. “Ngành thuế muốn thu nhưng họ không chia cổ tức thì ta... bó tay”- ông Phụng thừa nhận.

Mong manh năng lực tài chính của các “ông lớn” ngân hàng

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV (TTNC) cho biết, đến cuối năm 2015, khối NHTMNN gồm 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) chiếm 45% tổng tài sản, 50,2% tổng dư nợ tín dụng và 46,3% nguồn vốn huy động của toàn hệ thống.

Trong giai đoạn 2011-2015, khối NHTMNN đã đóng góp chính vào tăng trưởng toàn ngành với mức tăng trưởng tổng tài sản bình quân ở mức 13,8%/năm cao hơn mức 10,3%/năm của toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng ở mức 17,1%/năm so với mức 13,5%/năm toàn ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, năng lực tài chính của khối NHTMNN thể hiện qua Hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, TSCRR của khối NHTMNN tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay – gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3% (đồng thời  tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn). 

Tăng vốn và tăng trưởng GDP

Theo phân tích của TTNC, nếu vốn tự có của khối NHTMNN không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015) sẽ dẫn đến  hệ quả: Vốn tự có của khối sẽ ở mức bằng năm 2015 là 203 nghìn tỷ đồng và theo đó khả năng tăng trưởng TSCRR còn lại chỉ là 101 nghìn tỷ, tương ứng với mức tăng trưởng 4,67% so với năm 2015 và tăng trưởng tín dụng ở mức 7-8% năm 2016. Khi đó, dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 280 nghìn tỷ đồng.

Với mức ICOR Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ước tính ở mức 4,7 (trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua xác định tỷ lệ đầu tư/GDP ở mức 31-32% và tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%), số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm giảm GDP trung bình 1 năm trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 69,1 nghìn tỷ/năm sẽ tương ứng với mức giảm tăng trưởng GDP (theo giá so sánh) là 0,55%-0,6%/năm. Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,05-6,4%/năm.

Trường hợp thứ hai, vốn tự có của khối NHTMNN tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8,34%/năm (căn cứ theo mức tăng vốn tự có của khối NHTMCP giai đoạn 2011-2015), không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài. Với cách tính toán tương tự như trường hợp 1, hệ quả có thể như sau: Vốn tự có của khối năm 2016 sẽ ở mức 220,3 nghìn tỷ và theo đó khả năng tăng trưởng TSCRR sẽ ở mức 289,2 nghìn tỷ (tương ứng với mức CAR 9%), tương ứng với mức tăng trưởng TSCRR 13,4% và tăng trưởng tín dụng ở mức 15-16%  so với năm 2015.

Khi đó dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 108,2 nghìn đồng. Với mức ICOR Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ước tính ở mức 4,7, số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm giảm GDP trung bình 1 năm trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 23 nghìn tỷ/năm, tương ứng với mức giảm tăng trưởng GDP (theo giá so sánh) là 0,18-0,2%/năm. Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ ở mức 6,3-6,7%/năm. 

Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với yêu cầu còn có ảnh hưởng trực tiếp làm thu lãi tín dụng và lợi nhuận của khối NHTMNN, từ đó làm giảm thuế nộp NSNN và giảm thu nhập của người lao động. Theo tính toán, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong vòng 5 năm (2016-2020) sẽ làm giảm khoản thu của NSNN khoảng 1.800 – 5.000 tỷ đồng tiền thuế

Cùng với các giải pháp mang tính chiến lược, theo đề xuất của TTNC, trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận cho các NHTMNN được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng...

Đọc thêm