Giữ ngôi đầu xuất khẩu hạt điều: Chưa hẳn đã sướng

(PLO) - Xuất khẩu hạt điều trong năm nay dự báo sẽ tăng mạnh do nhu cầu về sản phẩm này tăng và thị trường rộng lớn. 
Hiện nhu cầu về hạt điều đang tăng mạnh nhưng cạnh tranh cũng gay gắt hơn
Hiện nhu cầu về hạt điều đang tăng mạnh nhưng cạnh tranh cũng gay gắt hơn
Nhưng trái ngược với xuất khẩu, việc thu mua điều nguyên liệu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại nước ngoài lại gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ các bên thu mua, thậm chí các đối tác nước ngoài tự ý hủy hợp đồng giao hàng.
Xuất khẩu thuận lợi
Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, quý I năm nay xuất khẩu hạt điều khá ổn định, mặc dù so với quý liền kề trước đó xuất không bằng (do trúng vào tháng tết) nhưng lượng vẫn đạt gần 60 ngàn tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị kim ngạch đạt trên 409 triệu USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ; trong khi đó giá bán bình quân đạt hơn 7 ngàn USD/tấn, tăng trên 15% so với cùng kỳ.
Về thị trường, theo ông Thanh, chúng ta đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn, cụ thể là thị trường Úc (95%), New Zealand (98%), Mỹ (hơn 60%), đặc biệt  là Trung Quốc – thị trường có mức tiêu thụ cao, họ chủ yếu nhập điều của Việt Nam. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa từ lâu chúng ta không mấy quan tâm, ước tính trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 5% sản lượng, chủ yếu vào các dịp lễ, tết. Một thị trường nữa mà các DN điều Việt Nam ít quan tâm là Trung Đông nhưng khi chúng ta xuất sang thì tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Tại Việt Nam, giao dịch điều nhân trên thị trường những ngày gần đây trở nên sôi động hơn khi các đối tác từ Mỹ, EU, Úc, Trung Đông hỏi hàng nhiều vì sau Lễ Phục sinh, họ phải chuẩn bị hàng cho đợt kinh doanh Xuân – Hè 2015 và tháng ăn chay Ramadan. Điều nhân xuất xứ Việt Nam được khách quan tâm và mua với giá cao hơn điều nhân mua từ các quốc gia khác do chất lượng cao hơn.
Cạnh tranh gay gắt trong mua điều thô
Những ngày gần đây, Vinacas ghi nhận rất nhiều nhận định của cả người bán lẫn người mua, môi giới điều về diễn biến và kết quả mùa vụ. Tuy nhiên, theo đại diện Vinacas, tại thời điểm hiện nay còn quá sớm để có thể đánh giá được kết quả của các mùa vụ trên thế giới, đặc biệt 3 mùa vụ chính là Ấn Độ, Việt Nam và Bờ Biển Ngà.
Năm nay số lượng DN đăng ký thu mua và xuất khẩu điều thô tại Bờ Biển Ngà tăng gấp đôi so với năm 2014, chính vì vậy, cạnh tranh trong thu mua diễn ra gay gắt, làm cho giá thu mua tại cửa vườn tăng. Bên cạnh đó, có một số DN điều lớn trên thế giới, bao gồm cả các DN Việt Nam tham gia cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào quá trình thu mua tạm trữ điều tại Bờ Biển Ngà, tạo ra rất nhiều “đợt sóng” không nhỏ cho thị trường. 
Tuy nhiên, đại diện các công ty Việt Nam thu mua điều từ Bờ Biển Ngà lại cho rằng, khó khăn trong thu mua điều còn có một nguyên nhân quan trọng khác, đó là các DN có nền tài chính dồi dào (chủ yếu là DN nước ngoài) họ thu mua để đầu cơ, dẫn đến sự cạnh tranh rất lớn.
Tại Nigeria, thị trường nhập khẩu điều thô lớn thứ 2 của Việt Nam, số lượng DN tham gia thu mua và xuất khẩu điều thô năm nay cũng tăng mạnh và cạnh tranh khá gay gắt.
Liên quan đến nhập khẩu điều thô, Vinacas khuyến cáo các DN nên cẩn trọng trong việc lựa chọn kỹ các đối tác để ký hợp đồng mua, bán, nhập khẩu hạt điều thô, nên chọn các đối tác có thâm niên, có uy tín, thương hiệu trên thị trường điều thô quốc tế, không nằm trong danh sách cảnh báo của các tổ chức quốc tế. 
Tại Bờ Biển Ngà là các DN nằm trong cảnh báo của nước này. Ngoài ra, hội viên nên chú ý tới chất lượng điều thô tại Bờ Biển Ngà năm nay, đặc biệt hàng cuối vụ bởi vì có nhiều cơn mưa bất thường trong thời gian vừa qua. 

Đọc thêm