Giúp doanh nghiệp “mặn mà” với hoạt động góp ý văn bản pháp luật

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị giao ban pháp chế doanh nghiệp với chủ đề “Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật”. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã đến dự và phát biểu khai mạc tại Hội nghị trước sự tham dự đông đảo của các cán bộ pháp chế, bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp.
Giúp doanh nghiệp “mặn mà”  với hoạt động góp ý văn bản pháp luật

Công cụ hữu hiệu trong sản xuất kinh doanh

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, triển khai Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về thương mại, kinh doanh nói riêng đạt được nhiều thành tựu nổi bật với việc ban hành Hiến pháp năm 2013, hàng loạt bộ luật, luật quan trọng, trong đó có nhiều đạo luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng cạnh đó còn nhiều hạn chế, yếu kém như thiếu tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, nhất là thiếu tính ổn định mà điển hình là một số đạo luật về kinh tế liên tục sửa đổi. Vì vậy, theo thông điệp xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính thì hoàn thiện thể chế được Chính phủ nhấn mạnh với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trước mắt gắn với cộng đồng doanh nghiệp sẽ có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh. 

Nêu bật những nội dung mới, tư tưởng mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 trong quy định tách bạch trình tự, thủ tục phê duyệt chính sách và soạn thảo văn bản, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định đây là cơ hội để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong công tác văn bản, bao gồm cả vai trò của các tổ chức pháp chế, trong đó có tổ chức pháp chế doanh nghiệp. Thứ trưởng mong muốn các cán bộ pháp chế doanh nghiệp thẳng thắn, mạnh dạn đề xuất những giải pháp khắc phục bất cập hiện hành sao cho pháp luật thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giới thiệu quy định của pháp luật về lấy ý kiến, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Anh Đức thông tin, lấy ý kiến công chúng vào các chính sách, dự thảo VBQPPL được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước và được quy định lần đầu trong Luật Ban hành VBQPPL năm 1996.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc lấy ý kiến công chúng, doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại nên Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã sửa đổi, bổ sung, quy định cơ chế thực chất hơn để tăng cường sự tham gia của xã hội trong hoạt động xây dựng, thực hiện VBQPPL. Cụ thể, việc lấy ý kiến vào luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được coi là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách lẫn giai đoạn soạn thảo; cơ quan, tổ chức lấy ý kiến phải xác định rõ địa chỉ đăng tải, tiếp nhận các góp ý…

“Đặt hàng” Hiệp hội doanh nghiệp trong một số khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Điểm qua những trở ngại khiến doanh nghiệp không mặn mà với hoạt động góp ý VBQPPL, bà Nguyễn Thị Lê Nghĩa (Ban Pháp chế, VCCI) cho biết, đó là doanh nghiệp không biết đến dự thảo, thời hạn góp ý thường quá ngắn, không rõ nơi tiếp nhận thông tin, thiếu phúc đáp và giải trình.

Trên cơ sở này, bà Nghĩa đề xuất cơ quan nhà nước cần xác định chính xác đối tượng lấy ý kiến mới đảm bảo hiệu quả và thu nhận được ý kiến có chất lượng; tận dụng internet trong việc lấy ý kiến bằng việc thiết kế một cổng thông tin chung đăng tải các dự thảo văn bản theo hướng thân thiện, dễ sử dụng, dễ gửi thông tin. Không những thế, nên thiết lập kênh lấy ý kiến qua tổ chức đại diện doanh nghiệp, như vậy sẽ giúp cơ quan nhà nước giảm thiểu chi phí, thời gian khi lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động…

Đến từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình kiến nghị phải đổi mới cách thức và phương pháp huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Theo đó, cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Tư pháp, cần tập huấn chuyên sâu cho các hiệp hội doanh nghiệp trong tăng cường năng lực đóng góp ý kiến, phản biện chính sách pháp luật với cơ quan nhà nước; mở rộng đối tác lấy ý kiến, lựa chọn những hiệp hội doanh nghiệp có mạng lưới rộng khắp cả nước, có đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên nghiệp hoặc các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương.

Đặc biệt, ông Bình cho rằng, có thể xây dựng cơ chế đặt hàng đối với các hiệp hội doanh nghiệp trong một số khâu của quá trình xây dựng VBQPPL nhằm ban hành được những VBQPPL chất lượng, sát thực tế, điều chỉnh tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện Ban Pháp chế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền thêm thời lượng về thời gian để các doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả việc lấy ý kiến góp ý từ các đối tượng cũng như tăng cường hình thức góp ý trực tiếp qua các buổi hội thảo, tọa đàm. Vị đại diện này còn cho rằng phải đẩy mạnh trao đổi theo chuyên môn ngành dọc giúp doanh nghiệp chủ động chuẩn bị ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, VBQPPL trước khi nhận được công văn chính thức xin ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Đọc thêm