'Gỡ khó' cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bằng cách nào?

(PLO) - Rất nhiều biện pháp cấp bách, những đề xuất chính sách phù hợp, định hướng cần phải thay đổi đã được các hiệp hội, ngành hàng gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực giải quyết những khó khăn của hoạt động xuất khẩu  nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2018. 
Mặt hàng gỗ cần tháo gỡ nhiều mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD.
Mặt hàng gỗ cần tháo gỡ nhiều mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD.

Cần cấp giấy chứng nhận cho xuất khẩu cá ba tra qua đường tiểu ngạch

Xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản là một ngành hàng được trông chờ đóng góp nhiều cho kim ngạch XK của Việt Nam trong năm 2018. Ngay trong quý I năm nay, xuất siêu của Việt Nam đã đạt 50% so với cả năm 2017. Nhưng con đường XK vẫn còn vô cùng gian nan (vấn đề này đã được báo PLVN đề cập đến trong số báo 112, ra vào ngày Chủ nhật, 22/4/2018). Trước tình thế này, các hiệp hội ngành nghề và các công ty XK đã vào cuộc quyết liệt, nhằm đạt được kết quả đã đề ra. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau 20 năm phát triển, cá tra vẫn mang tiếng là hàng thô nhưng hiện nay hàm lượng giá trị gia tăng cho mặt hàng này đã tăng đáng kể, tuy nhiên lại gặp rất nhiều khó khăn khi bị XK qua đường tiểu ngạch với số lượng lớn. 

Ông cho rằng, xuất thô cá ba tra nhiều nhưng giá trị nhận được không đáng bao nhiêu so với XK chính ngạch. Cụ thể, ông dẫn số liệu từ ngành nông nghiệp cho thấy, hiện cả nước có 9 cá nhân đại diện XK cá tra qua biên giới Trung Quốc, đã chiếm đến 47% khối lượng nhưng giá trị kim ngạch lại chỉ đạt 23% so với mức 77% từ các nhà máy chế biến.

Nguyên nhân là do nhiều thương nhân “ăn xổi ở thì” thu gom cá kém chất lượng, hàng trôi nổi để bán sang Trung Quốc. Việc XK ồ ạt cá tra phẩm chất kém sang nước bạn sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu cá ba tra mà Việt Nam đã mất nhiều năm gầy dựng. Do đó, ông Nam kiến nghị, ngay lập tức, phải tiến hành cấp giấy chứng nhận qua đường tiểu ngạch cho mặt hàng này, để kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời tránh thất thoát giá trị XK ở con đường chính ngạch. 

Không gặp khó khăn giống như mặt hàng cá ba tra, gạo Việt Nam lại đang gặp vấn đề ở năng lực cạnh tranh. Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững ở vị trí hàng đầu trong các quốc gia XK gạo. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp (DN) XK gạo là sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường, nhất là trong 2 năm gần đây. DN mạnh thì vượt qua còn DN yếu về vốn, về thị trường thì bị đào thải ra khỏi thị trường. Vị đại diện này cũng cho biết, nhiều DN ở đồng bằng sông Cửu Long đã bán kho và rời mảng kinh doanh này do không vay được vốn từ ngân hàng. 

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều siết chặt vay vốn đối với các DN XK gạo. Đồng thời, lại tăng lãi suất cho vay. Ví dụ năm 2017 vay bằng đồng VND là 5,5%/năm, sang 2018 tăng lên 6,5%/năm; Vay vốn bằng đồng USD tăng từ 2,5% lên 3,5%/năm trong năm 2018. Ngoài ra còn một khó khăn không thể khắc phục là chi phí logisitcs quá cao, cao hơn hẳn so với các nước khác. Chính những tác động này khiến cho sức cạnh tranh của các DN Việt ngày càng yếu đi. Do đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần lưu tâm và tháo gỡ đối với tình hình khó khăn hiện nay. 

Kiến nghị mạnh về chi phí logistics 

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ nhanh và mạnh. Năm 2017 XK đạt 8 tỷ USD trong đó 7,7 tỷ USD là gỗ, còn 300 triệu là song mây tre trúc. Dự kiến sẽ đạt 9 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, có rất nhiều việc cần phải làm. 

Trước hết là phải đa dạng nguồn nguyên liệu. Theo ông Quyền, để đạt kim ngạch 7,7 tỷ USD XK gỗ năm 2017, ngành cần tới 35 triệu m3 gỗ, trong đó 19 triệu m3 gỗ rừng trồng, 3,5 triệu m3 gỗ cao su, hơn 3 triệu m3 gỗ ngoài quy hoạch đồng thời nhập khẩu 9 triệu m3 gỗ. Do đó, để phục vụ cho kim ngạch XK gỗ gần 9 tỷ USD trong năm 2018 thì cần tới 40 triệu m3 gỗ.

Cũng theo ông Quyền, dần dần có lẽ Việt Nam cần hạn chế bớt gỗ nhập khẩu, tăng cường sử dụng gỗ trong nước. Diện tích rừng trồng lớn 4,5 triệu ha, một năm khai thác 19-20 triệu ha nhưng gỗ dành cho sản phẩm XK ít. Do đó cần cải tạo chất lượng gỗ rừng trồng. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chương trình cải tạo gỗ nhỏ sang gỗ lớn nhưng còn rất chậm. Vì thế, phải khuyến khích các DN chế biến gỗ liên kết và đầu tư cho người trồng rừng để có rừng gỗ mới đạt năng suất, chất lượng.

Ông Quyền còn chia sẻ, việc kiểm dịch thực vật với gỗ nhập khẩu cũng là một rào cản làm mất lợi thế cạnh tranh của gỗ Việt. Vì hàng năm nhập khẩu tới gần chục triệu m3 gỗ, nếu tất cả đều phải kiểm dịch thì vừa mất thời gian, vừa mất nguồn lực tài chính, gây ra tốn kém nhiều cho DN, trong khi kiểm dịch hàng năm cũng không phát hiện ra vấn đề gì. 

Một đại diện DN chế biến gỗ XK cũng đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm gỗ có nguồn gốc minh bạch nhằm mang lại sự tin cậy cho khách hàng. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hợp lý và định hướng phù hợp để khuyến khích DN chuyển cơ sở chế biến lên vùng sâu, vùng xa vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa bớt được chi phí hạ tầng. Vấn đề liên quan đến logistics cũng được đại diện DN kiến nghị, vì chi phí vận chuyển hiện nay quá cao, trong khi khối lượng vận chuyển gỗ lớn. 

Đọc thêm