Hà Nội: Đề xuất 'đục trần' vay nợ công cho dự án đường sắt

(PLO) - Tại buổi làm việc với Ban quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội mới đây, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, trở ngại chính trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội là những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, nhân sự quản lý, điều hành dự án thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm thực tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội, dự án Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành đấu thầu và ký kết 8/9 gói thầu, tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là 853,7 triệu Euro (tiết kiệm 104,3 triệu Euro so với tổng mức đầu tư). Dự  kiến hoàn thành, khai thác vào cuối năm 2021, chậm 36 tháng so với kế hoạch ban đầu. Tính đến 31/1/2017, dự án đã giải ngân 3.521 tỷ đồng vốn ODA và 634 tỷ vốn đối ứng. Hiện dự án cần bố trí đủ vốn ODA cho dự án giai đoạn 2017-2020 mỗi năm khoảng 3.500- 3.700 tỷ đồng

Đối với dự án tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tổng mức đầu tư trên 200 tỷ Yên, tương đương trên 36,5 nghìn tỷ đồng từ vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép  tiếp tục triển khai dự án, Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội dự kiến triển khai thi công các gói thầu từ quý III/2018 đến quý IV/2024.

Ngoài ra, các dự án chuẩn bị đầu tư là dự án ga Hà Nội- Hoàng Mai. Dự kiến sử dụng vốn vay ODA, tổng mức đầu tư 34.700 tỷ đồng và dự án Trần Hưng Đạo - Thượng Đình dự kiến sử dụng vốn ngân sách, ga Hà Nội – Hoàng Mai, vốn ODA 25.000 tỷ đồng. Hà Nội cũng đang nghiên cứu đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với một số dự án khác.

Nguồn vốn xây dựng tuyến đường sắt đô thị chủ yếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các dự án này đang gặp thách thức lớn về nguồn vốn, trong bối cảnh vốn thành phố khó khăn, ngân sách trung Trung ương hỗ trợ cũng hạn chế.

Đối với nguồn vốn vay phải tuân thủ theo trần nợ công, theo quy định dư nợ của ngân sách, 60% nguồn vốn ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ lớn nhất.

Vì thế vốn tập trung vào hợp tác công tư (PPP) nhưng hình thức này cũng phải kết hợp với các hình thức khác mới đủ vì không đơn vị nào có thể thu hồi vốn từ các dự án này.

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, 2 năm trước dự án ĐSĐT, nguồn vốn thực hiện mặc định sử dụng là vốn ODA và trình tự thủ tục đầu tư cũng theo ODA. Mới đây, các nhà đầu tư trong nước đã xin vào đầu tư các dự án ĐSĐT theo hình thức PPP. Trước mắt, trong giai đoạn 2016-2020 thì vẫn phải tiếp tục tiếp cận nguồn vốn ODA với 2 dự án Nhổn – ga Hà Nội và Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và 2 dự án chuẩn bị đầu tư nếu chuyển hình thức đầu tư sẽ “tắc”. Vì trên thực tế nhà đầu tư mặc dù rất mong muốn nhưng thấy vô cùng nan giải để triển khai bởi nếu thực hiện theo BT thì khó cân đủ quỹ đất để doanh nghiệp hoàn vốn. Còn làm theo BOT, tổng mức đầu tư của dự án là rất lớn để triển khai.

Phương án tốt nhất chỉ có thể kết hợp BOT và BT dành quỹ đất trả doanh nghiệp còn lại thu phí kinh doanh từ dự án trả chậm nhà đầu tư. Vì sẽ rất khó khăn tìm nhà đầu tư đơn lẻ giúp thành phố làm PPP”, ông Tứ nói.

Theo yêu cầu của Ban quản lý ĐSĐT, theo tiến độ triển khai và hợp đồng đã ký kết với các nhà thầu, dự án hàng năm cần số vốn lớn khoảng trên 3 nghìn tỷ. Tuy nhiên, năm 2017, Trung ương phân bổ cho thành phố 2.518 tỷ vốn ODA, thành phố dành cho dự án hơn 1.600 tỷ mới chỉ đáp ứng đủ nửa nhu cầu dự án.

“Hà Nội cần đề nghị Quốc hội xem xét coi dự án đầu tư ĐSĐT này cơ chế đặc biệt sử dụng vốn ODA và không tính toán trần nợ công, nếu không sẽ dẫn đến “khủng hoảng” bởi theo hợp đồng đã ký với nhà thầu sẽ thực hiện theo đúng khối lượng, Ban quản lý đường sắt sẽ phát sinh nợ cơ bản”, ông Tứ nêu quan điểm.

Theo ông Tứ, để dự phòng cho trường hợp xấu nhất, khối lượng vượt kế hoạch đặt ra thì xin cơ chế ứng vốn. Không nên đặt nặng vấn đề vốn ở đâu, quan trọng là dự án này phải đẩy nhanh để giải quyết áp lực về giao thông của thành phố. 

Đọc thêm