Hạ tầng giao thông ĐBSCL “trói chân” doanh nghiệp

(PLO) - Trên đường bộ, xe tải trọng lớn không lưu thông được vì vướng nhiều cầu yếu. Trên đường thủy, tàu lớn không thể ra vào hệ thống cảng sông Hậu vì luồng Định An bị bồi lắng nghiêm trọng... Cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang kêu trời vì hạ tầng giao thông quá  “đuội”, kéo giảm sức cạnh tranh.
Hạ tầng giao thông ĐBSCL “trói chân” doanh nghiệp
Ông Huỳnh Trung Quang - Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô than thở: “Hạ tầng giao thông hiện nay ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung quá nhiều điều bất hợp lý. Các doanh nghiệp (DN) vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường từ TP.Cần Thơ đi đến Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1, Trà Nóc 2  rất khó khăn do tải trọng cho phép của cầu Trà Nóc (trên quốc lộ 91) chỉ có 23 tấn, trong khi đường cho chở 30-40 tấn. Tương tự trên tuyến đường 91B (tuyến tránh trung tâm TP.Cần Thơ) đi An Giang, Kiên Giang, có cầu số 1, số 2 chỉ cho phép tải trọng từ 15 – 20 tấn. Các DN vận tải  kiểu gì cũng vi phạm”. 
Đây chính là một trong những vấn đề các DN luôn thấy ngán ngại khi đầu tư tại Cần Thơ. Chưa hết, nếu đường bộ “vướng” cầu yếu thì vận tải đường thủy lại “mắc kẹt” bởi luồng Định An bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu 5.000 tấn ra vào rất gặp khó khăn. Vì thế, hệ thống 15 cảng trên sông Hậu phải hoạt động cầm chừng. 
Ông Phan Thành Tiến - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Cần Thơ nói: “Cảng Cần Thơ nằm giữa “rốn” hàng hóa và đủ khả năng tiếp nhận tàu vài chục ngàn tấn nhưng đi bộ thì vướng cầu, đi thủy thì lại vướng luồng Định An. Thế nên thời gian qua, hệ thống cảng ở Cần Thơ đều hoạt động kém hiệu quả. Các DN xuất khẩu lớn đều phải vận chuyển lên các cảng ở TP.HCM, Vũng Tàu”. 
Về phía nhà chức trách, ông Võ Minh Tiến - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cũng thừa nhận: “Có rất nhiều đơn vị lớn, như các DN xăng dầu, đều có tổng kho xăng dầu tại Cần Thơ, nhưng cũng phải dùng sà lan chuyển dầu từ TP.HCM về do tàu lớn không vào trực tiếp tổng kho được”. Đáng nói là năm nào Nhà nước cũng trích ngân sách hàng chục tỷ đồng để nạo vét luồng Định An, song hiệu quả không cao, tàu trên 10.000 tấn vẫn không vào được. Ông Võ Minh Tiến cho rằng: “Một trong những nguyên nhân nạo vét kém hiệu quả là do sử dụng các tàu nạo vét cũ, công nghệ lạc hậu, công suất thấp…”.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, hệ thống trên sông Hậu  khai thác chưa đến 50% công suất; nhiều cảng hoạt động cầm chừng. Đáng chú ý, 2 cảng trọng điểm, lớn nhất ĐBSCL là Cần Thơ và Cái Cui lại có lượng hàng hóa thông qua hàng năm rất thấp và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2010 là 1,7 triệu tấn, năm 2011 đạt 1,3 triệu tấn và năm 2012 chỉ có 1,2 triệu tấn… Trong khi đó, riêng cảng Cái Cui được thiết kế với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 20.000 tấn, cầu tàu dài 500m; công suất hiện nay có thể bốc dỡ 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm... 
Về vấn đề này, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vừa qua, ông Huỳnh Thế Năng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng không giấu được bức xúc: “Nếu luồng Định An mở ra cho tàu 20.000 tấn ra vào được sông Hậu thì ngay lập tức giảm 10-15% chi phí xuất khẩu. Ngay lập tức giá nông sản tăng lên nhờ tác động này. Đầu tư nước ngoài tuần tự 5 - 7 năm sẽ vào lấp đầy các KCN đang bỏ trống hiện nay của chúng ta”. 
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: “Về dự án nạo vét cửa Định An, TP đã kiến nghị nhiều lần. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chọn cảng Cái Cui là một trong 4 cảng ưu tiên khai thác, đưa tàu lớn vào cảng, cùng với đó là giải pháp cụ thể để nạo vét luồng Định An. Riêng về các cây cầu yếu trên các trục đường đi đến Cần Thơ, đây thực sự là vấn đề vướng mắc chưa thể giải quyết. TP đã kiến nghị Bộ GTVT thực hiện xây mới hoặc nâng cấp. Bộ GTVT cũng đã xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91B, nhưng hiện nguồn kinh phí chưa giải ngân nên chưa thể triển khai”.

Đọc thêm