Hai “đầu tàu” kinh tế chưa cổ phần hóa DNNN: Do cơ chế hay nhận thức?

(PLO) - Theo kế hoạch năm 2018, TP HCM phải thực hiện cổ phần hóa (CPH) 39 doanh nghiệp (DN), TP Hà Nội phải thực hiện CPH 11 DN, nhưng đến nay hai “đầu tàu” của nền kinh tế vẫn chưa CPH được DN nào… 

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 6/11.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 sẽ CPH 127 DN, cụ thể: Năm 2017 CPH 44 DN; Năm 2018 CPH 64 DN; Năm 2019 CPH 18 DN; Năm 2020 CPH 01 DN. Trong đó, TP Hà Nội CPH 15 DN trong 02 năm 2017-2018 (chiếm 12% tổng số DN CPH giai đoạn 2017-2020); TP HCM CPH 39 DN trong năm 2018 (chiếm 31% tổng số DN CPH giai đoạn 2017-2020). 

Báo cáo của Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, trong 09 tháng đầu năm 2018, có 10 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Như vậy, so với mục tiêu CPH năm 2018 là 64 DN, không kể 2 DN thuộc danh sách CPH năm 2017, thì 3 tháng còn lại của năm sẽ phải hoàn thành CPH 56 DN. "Quá trình CPH DNNN trong năm 2018 đang bị chậm, chững lại là đáng quan ngại.!”- TS Nguyễn Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền lý luận - Báo Nhân Dân cũng tỏ ra sốt ruột. Đặc biệt vị chuyên gia này cũng băn khoăn khi Hà Nội và TP HCM, 2 địa phương chiếm đến 78% kế hoạch CPH trong năm nay vẫn chưa CPH được DNNN nào.

“Nhìn chung, quá trình CPH DNNN không chỉ chậm về tiến độ, mà việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo tài chính hoạt động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc…”- Chuyên gia này phân tích  và chỉ rõ: “Nguyên nhân sự chậm trễ và thiếu hiệu quả, thậm chí méo mó trong quá trình CPH DNNN thời gian qua không chỉ do sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, mà còn do hạn chế về nhận thức, quyết tâm chính trị và cả sự chi phối của lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, cũng như đơn vị chủ quản…”.

Đặt vấn đề về “Cơ chế hay nhận thức?” ảnh hưởng đến tiến độ CPH DNNN, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho rằng, cơ chế, chính sách về CPH DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng; đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, tháo gỡ nhiều khó khăn về CPH DNNN. “Tuy nhiên, nhận thức không thay đổi thì tiến độ CPH, thoái vốn DNNN vẫn chậm…” - ông Tiến quả quyết.

Trong nhóm giải pháp cho nguyên nhân thuộc về nhận thức, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN; trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DN nhà nước sang công ty cổ phần…

Đọc thêm