Hải Phòng: UBND quận Dương Kinh sẽ xử lý việc “băm nát” hành lang đê để kinh doanh như thế nào?

(PLO) - Trước những vi phạm về sử dụng đất ở hành lang đê sông Lạch Tray mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, Chủ tịch UBND quận Dương Kinh cho biết sẽ xử lý vi phạm của Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh và Công ty Bê tông và Vật liệu xây dựng Hải Phòng. Tuy nhiên, ngày 10/1/2016, Báo Pháp luật Việt Nam vẫn ghi nhận hoạt động bình thường của các doanh nghiệp vi phạm trên hành lang đê sông Lạch Tray.
Nhà xưởng và sản phẩm của các doanh nghiệp trên hành lang đê
Nhà xưởng và sản phẩm của các doanh nghiệp trên hành lang đê

Ngày 30/12/2016, báo Pháp Luật Việt Nam đăng bài "Hải Phòng: Doanh nghiệp “băm nát” quy hoạch, chính quyền bất lực?" phản ánh việc một số doanh nghiệp ngang nhiên “xẻ thịt” hành lang đê sông Lạch Tray đoạn thuộc địa phận quận Dương Kinh để xây dựng nhiều công trình kiên cố, phục vụ mục đích kinh doanh. Trong đó, 2 doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nhất là  Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh và Công ty Bê tông và Vật liệu xây dựng Hải Phòng. Hai công ty này cùng lấn chiếm hành lang đê để sản xuất các cấu kiện bê tông.

Sau khi nhận được phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam, UBND Quận Dương Kinh ban hành văn bản số 1741/UBND-VP về việc kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp hoạt động vi phạm ở phía ngoài đê. Theo đó, mọi phản ánh của Báo Pháp Luật Việt Nam là có cơ sở. UBND quận Dương Kinh xác nhận, Công ty CP Bê tông và vật liệu xây dựng Hải Phòng và Công ty CP bê tông và phát triển hạ tầng Dương Kinh đều đã nộp hồ sơ về UBND Quận Dương Kinh xin được ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ thuê đất chưa được UBND quận Dương Kinh chấp thuận.

Liên quan đến sự việc sử dụng đất của 2 hai doanh nghiệp trên, ông Lê Lương,  Chủ tịch UBND Quận Dương Kinh cho biết, địa phương đang tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến UBND TP Hải Phòng về việc có chấp thuận cho 2 doanh nghiệp trên thuê đất hay không bởi khu vực này đã được sử dụng khá lâu.

Sản phẩm ống bi bê tông tập kết đầy trên hàng lang đê
Sản phẩm ống bi bê tông tập kết đầy trên hàng lang đê 

Ngoài ra, sau khi có phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam, UBND quận Dương Kinh đã thành lập đoàn để kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của hai doanh nghiệp trên bãi sông ngoài đê biển. Theo đó, tại Công ty CP Bê tông và vật liệu xây dựng có đặt 01 container làm văn phòng, 01 container làm kho xi măng. Ngoài ra, tồn tại nhiều ống bê tông, bê tông đúc sẵn đặt sát chân đê.

Tại Công ty CP Bê tông và phát triển hạ tầng Dương Kinh hiện nay vẫn tồn tại việc tập kết các sản phẩm bê tông đúc sẵn trong hành lang bảo vệ đê với số lượng 250 ống. Điều đáng nói, biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng lại không nhắc đến hàng loạt các công trình được công ty dựng lên nhằm phục vụ mục đích kinh doanh như: nhà xưởng, văn phòng, mái tôn khung thép, hệ cần trục để di chuyển, tường chắn ngang bãi sông. Hai doanh nghiệp đã cam kết di chuyển toàn bộ sản phẩm nêu trên trước ngày 4/12/2016, trả lại hành lang tuyến đê biển thuộc phạm vi doanh nghiệp quản lý. 

Đến thời điểm này, việc cam kết trên thực tế chỉ có giá trị trên giấy vì cả hai doanh nghiệp đều "phớt lờ" các nghĩa vụ theo cam kết còn cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có một hình thức xử lý vi phạm nào được áp dụng. Về việc này, Chủ tịch UBND quận Dương Kinh cho biết đang tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý vi phạm của các doanh nghiệp. 

Theo quan sát của phóng viên, hiên nay hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn rất bình thường và có vẻ như những biện đang được chính quyền quận Dương Kinh áp dụng không đủ mạnh để các doanh nghiệp vi phạm từ bỏ lợi nhuận từ việc sử dụng trái phép hành lang đê. Món lợi lớn này chính là "liều thuốc" an thần để các doanh nghiệp thi gan với pháp luật hay còn có sự bảo vệ nào khác? Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm