Hải Quan Bình Dương: Giải pháp mạnh trong hai nhiệm vụ trọng tâm

(PLO) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN), giải quyết nợ thuế là hai trong số những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng hải quan. 
Ông Nguyễn Trường Giang
Ông Nguyễn Trường Giang

PLVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Trường Giang  Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương về vấn đề này:

Đặt mục tiêu phấn đấu 10.700 tỷ đồng thu ngân sách năm 2016,  ông có thể cho biết Cục Hải quan Bình Dương triển khai những giải pháp gì để thu lại kết quả khả quan đó? 

- Ngay từ đầu năm Cục Hải quan Bình Dương đã ban hành Công văn  số 287/HQBD-TXNK về việc ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp thu NSNN năm 2016 như:

Nhóm giải pháp cải cách, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho DN: bố trí cán bộ đủ năng lực, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ vào các khâu nghiệp vụ quan trọng tạo thuận lợi cho DN; duy trì tổ giải đáp vướng mắc...

Nhóm giải pháp khai thác quản lý số thu NSNN: giao chỉ tiêu thu cho các chi cục; tiếp xúc, tuyên truyền, hỗ trợ các DN mới về làm thủ tục.

Giải pháp quản lý nợ thuế: Rà sóat xử lý ngay các trương hợp nợ thuế mới phát sinh, bảo đảm thu đủ kịp thời thuế phát sinh; đẩy mạnh công tác thanh khoản  thuế tạm thu, hoàn thuế, không thu. 

Tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan và kiểm tra nội bộ:  đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ; rà sóat mã số HS, thuế; rà soát giá, C/o đối với hàng hóa kinh doanh luồng xanh tránh gian lận thưong mại.

Giải pháp xây dựng lực lượng; duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ: đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, phát động phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ ...

Chỉ còn 5 tháng nữa là kết thúc năm 2016, Cục Hải quan Bình Dương sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mặt công tác?

- Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao năm 2016, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền được giao, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất, tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là: đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo thuận lợi tối đa cho DN; thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách; xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và đưực triển khai sâu rộng trong toàn ngành. 

Việc thu đòi nợ thuế của các doanh nghiệp chây ỳ, bỏ trốn đang là vấn đề khá bức xúc trong ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực Hải quan nói riêng. Cục Hải quan Bình Dương có cùng chung “tình cảnh” này không? Xin chia sẻ một số thông tin về vấn đề này, đồng thời cho biết các giải pháp mà đơn vị sẽ triển khai để tăng cường hiệu quả của công tác thu hồi nợ đọng, chống thất thu cho NSNN?

- Việc thu đòi nợ thuế của các doanh nghiệp chây ỳ, bỏ trốn là vấn đề bức xúc của toàn ngành hải quan nói chung và của Hải quan Bình Dương nói riêng. Hiện nay, tại Cục Hải quan Bình Dương có 103 doanh nghiệp chây ỳ, bỏ trốn, mất tích với tổng số tiền nợ thuế là 141.436.170.189 đồng.

Trong thời gian qua, Cục Hải quan Bình Dương đã tích cực thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi nợ thuế như qui định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế. Bên cạnh đó Cục đã thực hiện các biện pháp nhằm theo dõi, quản lý tình hình hoạt động của doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích thông qua việc thu thập, phân tích thông tin doanh nghiệp trên cơ sở quản lý rủi ro; hàng tháng rà soát tờ khai xuất khẩu đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu nợ thuế phát sinh.

Tuy nhiên, việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp chây ỳ, bỏ trốn cực kỳ khó khăn. Hiện nay, Cục Hải quan Bình Dương phải thực hiện xử lý các khoản nợ thuế này thông qua thủ tục phá sản doanh nghiệp và lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xóa nợ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Trong thời gian tới, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, xử lý, thu đòi nợ thuế của các doanh nghiệp chây ỳ, bỏ trốn. Đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp thu thập, phân tích thông tin; phân loại, đánh giá doanh nghiệp trên cơ sở quản lý rủi ro để hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh nợ xấu.

Xin cám ơn ông!

Đọc thêm