Hải quan TP Hồ Chí Minh: Giải đáp nhiều vướng mắc triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động

(PLO) - Cục Hải quan TP HCM vừa báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét, hướng dẫn doanh nghiệp (DN) một số vướng mắc trong quá trình triển khai Hệ thống thông quan tự động. 
Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.Hòa
Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.Hòa

Bổ sung tờ khai sau khi thông quan

Trả lời vướng mắc của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn về trường hợp hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, nhưng DN bổ sung thêm tờ khai hải quan thì giải quyết như thế nào, Cục Hải quan TP.HCM cho biết: Nếu người khai hải quan bổ sung thêm tờ khai hải quan trước khi đưa hàng hóa ra, vào cảng và tờ khai hải quan bổ sung đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, thuộc vận đơn hoặc container khai báo trên tờ khai hải quan thì Tổng công ty thực hiện cho hàng hóa đưa vào (get in), đưa ra cảng (get out) theo quy định.

Nếu người khai hải quan bổ sung thêm tờ khai hải quan sau khi hàng hóa đã đưa ra, hoặc đưa vào cảng, Tổng công ty không giải quyết cho tờ khai bổ sung qua khu vực giám sát hải quan. Việc cập nhật thông tin tờ khai bổ sung qua khu vực giám sát trong trường hợp này phải được cơ quan Hải quan xem xét, xử lý.

Liên quan đến vướng mắc tờ khai vận chuyển độc lập, bảng kê hàng hóa vận chuyển, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, hiện nay, chưa có quy định trạng thái tờ khai vận chuyển độc lập và bảng kê hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan. Cục Hải quan TP HCM đã ghi nhận vướng mắc này, báo cáo Tổng cục Hải quan hướng dẫn.

Trong thời gian chờ Tổng cục Hải quan hướng dẫn, trường hợp hàng hóa vận chuyển độc lập, đề nghị Tổng công ty và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện theo quy định của Thông tư 39/2018/TT-BTC; đồng thời bố trí lực lượng để xử lý các tờ khai vận chuyển độc lập khi đưa vào, đưa ra cảng.

Căn cứ xác định “người khai hải quan”

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, căn cứ để xác định “người khai hải quan” là người cung cấp thông tin cho cảng (số tờ khai hoặc số quản lý hàng hóa hoặc số định danh hàng hóa) khi làm thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng là người khai hải quan nêu tại khoản 31, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Giải đáp vướng mắc này của DN, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, hiện nay, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP người khai hải quan gồm các đối tượng sau: Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan; Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế; Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa; Đại lý làm thủ tục hải quan; DN cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.

Trách nhiệm của người khai hải quan, DN kinh doanh cảng, cơ quan Hải quan trong việc giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng, kho bãi, địa điểm có kết nối Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan được quy định tại khoản 31, khoản 32 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC. Như vậy, trường hợp Tổng công ty giao nhận hàng hóa, thì người nhận hàng, gửi hàng phải là chủ hàng hóa hoặc là người được chủ hàng hóa ủy quyền. 

Đọc thêm