Hạn chế doanh nghiệp kinh doanh vàng trục lợi từ người tiêu dùng

(PLO) - Được ban hành với mục đích “siết” lại một trong những thị trường vốn có thời gian dài hoạt động bát nháo và thu lợi không chính đáng từ “túi” của người tiêu dùng, gần một tháng sau khi được ban hành, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN vẫn đang gây “chia rẽ” trong thị trường kinh doanh vàng trang sức. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong khi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng có qui mô lớn hy vọng đây là “cánh cửa” bảo đảm cho hoạt động kinh doanh vàng trang sức thì những cửa hàng kinh doanh vàng trang sức qui mô nhỏ vẫn loay hoay “tìm cách đối phó” với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. 
Tuy vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thông tư 22 là “một bước đi đúng và cần thiết phải thực hiện để chuẩn hóa chất lượng vàng trang sức, từng bước đưa hoạt động vàng công khai, minh bạch, kiểm soát được. Việc này thể hiện sự gắn bó giữa trách nhiệm của nhà sản xuất và mặt hàng họ bán trên thị trường để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”.
Trong khi có DN “kêu khó” về công bố hàm lượng vàng, về cân nặng khiến mất nhiều công và nhiều tiền hơn thì nhiều DN cũng cho rằng Thông tư 22  bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết, đối với những DN cho rằng Thông tư 22 làm cho họ mất nhiều công và chi phí hơn thì cần phải đặt lại câu hỏi đối với các DN đó là liệu họ có biết sản phẩm họ bán ra thị trường được chế tác từ vàng bao nhiêu tuổi, trọng lượng thực ra sao không. Nếu không trả lời được câu hỏi này, có nghĩa là DN chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. Như tôi đã nói, thực hiện Thông tư 22 là để gắn sản phẩm với trách nhiệm cá nhân của từng nhà sản xuất, thà rằng DN tự làm, tự công khai thông tin về tuổi vàng, trọng lượng được dùng để chế tác theo qui định của Thông tư 22, còn hơn phải gánh trách nhiệm nếu sản phẩm của họ bị phát hiện không được dùng vàng đúng tuổi, đúng trọng lượng. 
Biết là như vậy, nhưng với những ý kiến trái chiều về Thông tư 22, theo ông nên giải quyết theo hướng nào?
- Phải nhìn nhận rõ ràng đây là quy định pháp luật. Muốn kinh doanh sản phẩm vàng trang sức phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Thông tư 22, không thể nói khó khăn mà không thực hiện. Ai muốn gia nhập thị trường vàng trang sức phải công khai, minh bạch về chất lượng sản phẩm và phải đóng dấu chất lượng vào sản phẩm, để người tiêu dùng đi kiểm chứng lại được mặt hàng mà mình mua. Nếu tuổi, trọng lượng vàng trong sản phẩm không đúng, người sản xuất, người bán sản phẩm phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, Thông tư đã được ban hành cả nửa năm rồi, có lộ trình chứ có phải mới “từ trên trời rơi xuống” đâu.
Như ông nói, Thông tư 22 đã có lộ trình cả nửa năm cho DN chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu thì tại sao DN vàng vẫn tiếp tục “kêu khó”?
- Tôi cho đây là động thái của một số DN vàng chỉ nhìn lợi ích cá nhân của mình, không muốn thực hiện các qui định nghiêm ngặt mà theo họ là khiến họ mất nhiều công và chi phí hơn so với việc kinh doanh theo kiểu “tự quyết” trước đây. Chính những DN đó đang tạo ra làn sóng áp lực giả lên cơ quan điều hành, lợi dụng dư luận xã hội để hy vọng tiếp tục có cơ hội trục lợi người tiêu dùng thông qua những thủ thuật kinh doanh đối với sản phẩm có giá trị này.
Trân trọng cảm ơn ông! 

Đọc thêm