Hạn chế năng lực công nghệ nội tại, khó nhận chuyển giao công nghệ từ FDI

(PLO) - Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, tuy nhiên mục tiêu chuyển giao công nghệ (CGCN) vẫn đang là “đích” hướng tới…
Goldsun - DN cung ứng bao bì cho các tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung
Goldsun - DN cung ứng bao bì cho các tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung

Bộ phận quan trọng…

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề về thu hút và CGCN trong khu vực DN FDI diễn ra chiều 25/6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Riêng trong 6 tháng năm 2018, đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP.  Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. Hiện 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực DN FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Đầu tư nước ngoài còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, DN FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các DN trong nước.

Thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước được nâng cao so với thời kỳ trước. Do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của DN FDI, nhiều DN trong nước cũng cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu. Đây là CGCN một cách gián tiếp.

Lan tỏa mờ nhạt

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho rằng, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Đặc biệt, FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với DN Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động CGCN và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách chưa tương xứng, một số DN có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.

"Phải thừa nhận, mục tiêu về CGCN trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới", Thứ trưởng khẳng định.

Theo TS Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo KT-XH quốc gia, Bộ KH&ĐT, vai trò CGCN của DN FDI mới chỉ tác động đến chính DN đó hơn là DN trong nước. 

“FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua tác động tích cực đến năng suất của khu vực DN trong nước. Tuy nhiên, tác động lan tỏa từ CGCN của các DN FDI vẫn còn yếu, có rất ít DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Nguyên nhân là do nhiều DN trong nước chưa liên kết sản xuất được với DN FDI, mặc dù khu vực FDI mở rộng quy mô sản xuất…”-  TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.

TS Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu và Khai thác Công nghệ, Bộ KH&ĐT trăn trở: “Các nước có chính sách khuyến khích CGCN, chúng ta cũng có. Nhưng tại sao khả năng hấp thụ thấp?”

Theo PGS.TS Trần Văn Ca, Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN, không có DN FDI nào thể hiện rõ nét là có chính sách không hỗ trợ Việt Nam trong quá trình học hỏi, mặc dù có thể có một vài thực tiễn không cho phép phổ biến rộng năng lực cốt lõi. Thực tế một số DN đã thực hiện quá trình học hỏi khá tích cực. Tuy nhiên không phải DN Việt Nam nào cũng sẵn sàng nắm lấy cơ hội học hỏi dô năng lực nội tại thấp.

Bên cạnh những khuyến nghị về chính sách thu hút, vị chuyên gia này lưu ý: “Phải có năng lực công nghệ nội tại mới có thể hấp thụ được công nghệ nước ngoài…”

Thành công nhờ… cung cấp sản phẩm bao bì cho Samsung(!?)

Tại Hội thảo, DN duy nhất có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệp hợp tác với DN FDI là CTCP In và Bao bì Goldsun, thành viên của Tập đoàn Goldsun. Năm 2010 DN này chính thức hợp tác với Samsung, Tập đoàn điện tử hàng đầu đến từ Hàn Quốc và 1 năm sau chính thức cung cấp sản phẩm bao bì cho Samsung. DN đã được lực chọn là nhà cung cấp bao bì chất lượng cao của hãng điện tử này, thậm chí được tham gia vào các dự án bảo mật, phát triển sản phẩm mới của Samsung trong 4 năm liên tục (2015- 2018). Hiện tại CTCP In và Bao bì Goldsun đứng trong top 3 các DN cung cấp bao bì chất lượng cao cho Tập đoàn Samsung với số lượng trung bình 36 triệu sản phẩm mỗi năm.

Tuy nhiên CTCP In và Bao bì Goldsun cũng chỉ là một trong số khoảng 100 DN Việt Nam đang làm phụ trợ cho Samsung. 22 năm đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 12,6 tỷ USD, nhưng không nhiều DN Việt Nam cung cấp cho những chiếc điện thoại thông minh con ốc vít. Trong số 100 DN làm phụ trợ cho Samsung chỉ có khoảng 10 DN Việt Nam làm được việc này, những gì làm được chỉ là bao bì, in ấn, đóng gói và nhân công giá rẻ…

Đọc thêm