Hàn Quốc - Việt Nam: Hướng đến mục tiêu tăng trưởng thịnh vượng

(PLVN) - Với chủ đề “Kế hoạch tăng trưởng thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam”, Hội nghị Kinh tế và Tài chính Quốc tế lần thứ 8 vừa diễn ra trong 2 ngày 21- 22/3 tại Hà Nội được đánh giá là cơ hội tuyệt vời để hai nước tìm kiếm sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung…
Khoảng 100 công ty tài chính, các cơ quan chính phủ hai nước và đại diện các công ty Hàn Quốc đã tham dự hội nghị này
Khoảng 100 công ty tài chính, các cơ quan chính phủ hai nước và đại diện các công ty Hàn Quốc đã tham dự hội nghị này

Đối tác quan trọng, tin cậy

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, sau hơn 25 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt- Hàn đã phát triển mạnh mẽ và đang ở trong giai đoạn hết sức tốt đẹp. Về thương mại, Hàn Quốc hiện  là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) song phương đạt 65,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,20 tỷ USD.

Về đầu tư, Hàn Quốc đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 năm qua, vốn FDI đăng ký hàng năm của nước này luôn duy trì ở mức 7 - 9 tỷ USD và là đối tác ổn định dẫn đầu trong đầu tư vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Lotte… đã có mặt ở Việt Nam. Hàn Quốc cũng là một trong các nhà tài trợ song phương lớn của Việt Nam với tổng số vốn cam kết là 2 tỷ USD.

Trong lĩnh vực thị trường vốn, Hàn Quốc là nước dẫn đầu trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 6.600 nhà đầu tư tham gia thị trường. Tương tự, các doanh nghiệp lĩnh vực bảo hiểm của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta.

Còn trong lĩnh vực ngân hàng, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hiện diện ngân hàng nhiều nhất trên thị trường Việt Nam với 2 ngân hàng vốn nước ngoài, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 6 văn phòng đại diện và 2 công ty cho thuê tài chính.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, hợp tác giữa hai nước về tài chính ngân hàng không chỉ gói gọn trong phạm vi hợp tác đầu tư mà còn trong quan hệ trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong cả chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường năng lực cán bộ giữa hai bên.

Mục tiêu kim ngạch XNK hai chiều lên 100 tỷ USD 

“Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục phát triển sâu rộng và hai nước đã trở thành đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác kinh tế song phương...” - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú khẳng định. Cũng theo ông Phú, sau 6 năm là “đối tác hợp tác chiến lược”, ngày 5/5/2015, hai bên đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VK-FTA) và Hiệp định có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.

“VK-FTA đã có những tác động rất rõ rệt đến thương mại hàng hóa giữa hai nước. Không chỉ giúp tăng tổng kim ngạch XNK mà còn làm thay đổi cấu trúc thương mại song phương tích cực hơn để hai quốc gia có thể phát huy thế mạnh của mình. Thêm vào đó, với lộ trình giảm thuế theo cam kết của VK-FTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, thu hút vốn và đầu tư vốn từ Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể” - ông Phú khẳng định.

Còn ông Kee Ho Kim, Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, Cục Xúc tiến thương mại Hàn Quốc dẫn chứng: Việt Nam lần đầu tiên trở thành 1 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc vào năm 2009 với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 7 tỷ USD. Trong năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, tăng 3 bậc so với năm 2014. Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

“Tại thời điểm hiện nay, tôi cho rằng, việc cùng nhau trao đổi nhằm vạch ra một chiến lược phát triển thành công trong dài hạn nhằm hướng đến sự thịnh vượng chung của hai quốc gia là điều hết sức ý nghĩa,..” - ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch NFSC khẳng định. 

Theo ông Tuấn, để đạt mục tiêu kim ngạch XNK hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Chính phủ hai nước cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hoạt động hải quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hai nước tìm kiếm cơ hội, đầu tư, giao thương. “Để tận dụng những cơ hội  và vượt qua thách thức trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần phác thảo mô hình “Hợp tác Hàn - Việt 2.0”, trong đó sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa cộng đồng DN và khoa học hai nước sẽ thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của hai quốc gia…” - ông Tuấn nói.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực tài chính, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam (NFSC) bày tỏ: “Việt Nam thực sự mong muốn các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội tham gia tích cực vào chương trình cổ phần hóa của Việt Nam, tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng và cung ứng các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ  Fintech tại Việt Nam…”.

Trước các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cải cách thể chế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DN nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Việt Nam tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế… 

Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon, mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt - Hàn là mối quan hệ lý tưởng, có độ tin cậy cao, có sự tương đồng về văn hoá và lịch sử. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 cho thấy Việt Nam có vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên.

Đọc thêm