Hàng triệu hecta đất chưa vốn hóa: Lãng phí hàng trăm tỷ USD!

(PLO) - Muốn phát triển nền nông nghiệp hàng hóa cần sớm có cơ chế đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh quá trình “dồn điền, đổi thửa” để hình thành các “cánh đồng mẫu lớn”. 
Đất nông nghiệp chưa được coi là hàng hóa và có thể trao đổi ngang giá khiến nguồn lực đầu tư của người nông dân bị hạn chế
Đất nông nghiệp chưa được coi là hàng hóa và có thể trao đổi ngang giá khiến nguồn lực đầu tư của người nông dân bị hạn chế

Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa Xuân do Liên minh Nông nghiệp tổ chức hôm qua (28/3) tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp.

Thể chế nông nghiệp đang đòi hỏi cần phải chuyển mạnh từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang thể chế phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo chiều sâu, xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, chất lượng , nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

“Cởi trói” đất đai để mở rộng sản xuất

Thống kê của Ban Kinh tế T.Ư cho thấy, 80% số hộ sản xuất nông nghiệp hiện nay có quy mô đất nông nghiệp nhỏ hơn 1ha/hộ, bình quân/hộ chỉ có từ 0,4-0,6ha đất, song có từ 2-5 mảnh. 

Quy mô nhỏ dẫn đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm phát triển, thiếu liên kết, kết nối giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, chế biến, phân phối, làm tăng chi phí trung gian, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp thấp.  

“Nông dân có đám ruộng trị giá khoảng 2 tỷ nhưng đi thế chấp ngân hàng chỉ vay được 200 triệu. Số tiền vay đó họ đầu tư chắc còn chưa đủ cho một vụ sản xuất, nói chi đến đầu tư lớn hơn. chúng ta đang lãng phí hàng trăm tỷ đô-la khi hàng triệu hecta đất không thể vốn hóa hoặc tính đủ giá”, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. 

Quy mô sản xuất nhỏ còn khiến cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt rất thấp, thấp hơn nhiều so với vị trí, tiềm năng và nhu cầu phát triển. Số liệu đưa ra tại Diễn đàn mùa xuân năm nay cho thấy, đầu tư phát triển của toàn xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm từ 8,5% năm 2000 xuống còn 6,2% GDP năm 2010 và 5,98% năm 2011.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn cũng giảm, từ 21,5% năm 2006 xuống 21,3% năm 2010. Nếu tính riêng đầu tư từ ngân sách nhà nước thì tỷ lệ giảm khá mạnh, từ 20% năm 1990 xuống còn 13,8% năm 2000, tiếp tục giảm xuống còn 7,5^ năm 2005 và 6,45% năm 2008 và đến năm 2010 chỉ còn là 6,26%. 

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp –Nông thôn, Ban Kinh tế T.Ư, đã đến lúc cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai. Cần tôn trọng và đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích của hộ nông dân trong sử dụng ruộng đất, chế định rõ cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền đó trong cơ chế thị trường. 

“Phải có cơ chế khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy trình sản xuất, đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về ruộng đất để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ. Quy định rõ, đầy đủ các quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, góp vốn...”, ông Tiến nêu quan điểm.   

Doanh nghiệp thương lượng với nông dân 

Nói về việc thay đổi thể chế để phát triển nông nghiệp hàng hóa, TS. Nguyễn Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cảm thấy ưu tư khi đất nông nghiệp chưa được công nhận là tài sản của nông dân, chưa được coi là hàng hóa có thể trao đổi ngang giá. 

“Nông dân có đám ruộng trị giá khoảng 2 tỷ nhưng đi thế chấp ngân hàng chỉ vay được 200 triệu. Số tiền vay đó họ đầu tư chắc còn chưa đủ cho một vụ sản xuất, nói chi đến đầu tư lớn hơn. Chúng ta đang lãng phí hàng trăm tỷ đô-la khi hàng triệu hecta đất không thể vốn hóa hoặc tính đủ giá”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cũng không nên can thiệp sâu, hay làm thay DN trong quá trình tập trung đất đai. Tất cả các nhà DN muốn tích tụ thì phải thương lượng với nông dân (để mua hoặc để họ góp đất cùng mình làm) chứ không phải như hiện nay, chính quyền đi vận động nông dân cho thuê đất.  “Chúng ta cần định nghĩa quyền sở hữu rõ ràng, quyền phân chia và quyền tự bảo vệ, khuyến khích sự thương lượng trực tiếp giữa các bên liên quan mà không cần sự can thiệp của Nhà nước, nhất là trong vấn đề đất đai” - ông Thịnh kiến nghị. 

Để hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phát triển nông nghiệp hàng hóa, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng: Với chính sách liên quan đến thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng cần phải khắc phục tình trạng tùy tiện, thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng quyền và lợi ích của người dân. 

Ông Tiến khuyến nghị thực hiện chính sách mở rộng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và nhịp độ phát triển công nghiệp dịch vụ. Hình thành hành lang pháp lý đẩy mạnh các hình thức cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. “Tuy nhiên, đồng thời phải có chế định ngăn chặn tình trạng tích tụ ruộng đất và sử dụng theo kiểu “phát canh thu tô”, ông Tiến nhấn mạnh.   

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo: Cần chú ý bảo vệ quyền tài sản lâu dài, quyền và lợi ích của người nông dân trong quá trình tập trung ruộng đất. Tránh việc tích tụ ruộng đất lại khiến đất nông nghiệp rơi vào tay các “đại gia”, người nông dân nhận cục tiền rồi trắng tay… gây mất ổn định xã hội.

Đọc thêm