Hàng vạn gia đình được dùng vốn ưu đãi, vẫn cần "đục trần" để tăng hiệu quả

(PLO) - Để đồng vốn chính sách xã hội đem lại hiệu quả đáng kể hơn trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giờ đây, cần ngay những giải pháp căn cơ, thực sự đột phá.
Vợ chồng chị Y Thị Loan  - anh K’Sar (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã gây dựng được cuộc sống ổn định bền vững từ sự đồng hành của vốn chính sách. (Ảnh: Trần Việt)
Vợ chồng chị Y Thị Loan - anh K’Sar (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã gây dựng được cuộc sống ổn định bền vững từ sự đồng hành của vốn chính sách. (Ảnh: Trần Việt)

Dấu ấn của tín dụng chính sách trong mọi mặt đời sống

Trong hành trình 16 năm hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của đồng vốn chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thay đổi cả đời sống vật chất và tinh thần của bà con, đảm bảo an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách đồng bằng – miền núi.

Đối với gia đình chị Y Thị Loan (dân tộc Mường) và anh K’Sar (dân tộc E đê) tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cán bộ nhân viên NHCSXH thực sự là người bạn thân thiết. Ngay những ngày còn chân ướt chân ráo vào Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, đồng vốn chính sách đã là “bà đỡ” cho anh chị sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ngoài ra, gia đình chị còn được vay vốn để xây dựng và cải tạo lại công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay chương trình học sinh, sinh viên cho con trai đi học…

 Có hàng vạn gia đình bà con dân tộc thiểu số (DTTS) như  gia đình chị Y Thị Loan – đều được đồng hành, chia sẻ bởi các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ. Trong giai đoạn 2016 - 2018, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 236 nghìn hộ DTTS thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123 nghìn lao động (trên 2.000.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), giúp trên 32 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập,  xây dựng hơn 784 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 19 nghìn căn nhà ở... 

Đến ngày 31/8/2018, NHCSXH đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 8,3 triệu món vay của gần 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, gần 1,5 triệu khách hàng là hộ DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 45.194 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 30,6 triệu đồng/hộ, bình quân chung là 27,3 triệu đồng/hộ.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS và giúp cho đồng bào DTTS dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS, miền núi... Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Hoạt động tín dụng chính sách tạo được lòng tin của nhân dân, đồng bào DTTS đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước, và  qua đó, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Nhờ “lực đẩy” của 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình ông Lâm Lon - bà Lâm Thị Hinh (dân tộc Khơ- me, ở ấp 5, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước) có điều kiện mua bò sinh sản, gia đình có việc làm, có cơ hội thoát nghèo (ảnh: Trần Việt)
Nhờ “lực đẩy” của 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình ông Lâm Lon - bà Lâm Thị Hinh (dân  tộc Khơ- me, ở ấp 5, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước) có điều kiện mua bò sinh sản, gia đình có việc làm, có cơ hội thoát nghèo (ảnh: Trần Việt)

Đề xuất cơ chế tăng mức vay đối với những mô hình mẫu

Tuy nhiên, tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS mới chỉ dừng lại ở một số chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS nghèo, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào DTTS  nói chung. Hộ DTTS thụ hưởng các chương trình tín dụng với mức vay tối đa và thời gian vay như hiện nay (50 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 5 năm) chưa tạo tác động chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực DTTS.

Ông Hồ Văn Sỹ (dân tộc Ca Dong, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, làm nông lúc này khác trước lắm rồi: “Cây keo giúp bà con thoát nghèo, nhưng cây cao su sẽ giữ bà con các dân tộc ở Sông Trà thoát nghèo bền vững hơn. Mà loại cây trồng này đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, thời gian đầu tư dài hơn. Chúng tôi mong các cấp hữu quan xem xét tăng hạn mức cho vay và kéo dài thời gian vay để đồng vốn thực sự phát huy hết hiệu quả của nó”.

 “Để không tái nghèo và phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn, bà con đầu tư nuôi trồng cây con có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng các giống này cũng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn trong thời hạn lâu hơn. Vì thế, chúng tôi mong muốn Nhà nước tăng mức vay, tăng thời hạn vay và điều chỉnh lãi suất thấp hơn, có những cơ chế đặc thù cho bà con DTTS” – ông Lê Ngọc Thái, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn số 4 xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ.

Trong khi đó, ở xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), các hộ dân nơi đây đã có sẵn một “con đường” để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo – chuyển đổi từ cây công nghiệp dài ngày doanh thu thấp sang cây nông nghiệp ngắn ngày ứng dụng công nghệ cao. Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên ban hành chính sách riêng của địa phương để phát triển đời sống đồng bào DTTS. Với ưu thế về các vùng hàng hóa và đặc sản địa phương, tỉnh cũng chú trọng việc chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho người vay vốn và xây dựng mô hình điểm để các hộ dân khác học tập. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm để giải quyết câu chuyện hiệu quả sản xuất, hiệu quả đồng vốn và tăng cường đời sống cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, chúng tôi mong cũng có chính sách cho đồng bào DTTS thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” – ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết.

Đề xuất “đục trần” hạn mức cho vay đối với hộ DTTS

Trong Tọa đàm trực tuyến “Vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số - Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng” diễn ra cách đây chưa lâu, các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội cho rằng, hướng đi của chúng ta là giảm nghèo bền vững và đã đến lúc phải hoạch định lại chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Tống Thanh Bình – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu – cũng cho hay, qua theo dõi 13 chính sách trên địa bàn Lai Châu, ông thấy một số chương trình mức vay còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế, nên không thể đầu tư cho sản xuất và khó sản xuất cho quy mô. “Suất vay 50 triệu trước đây đáp ứng được, giờ không còn phù hợp bởi với khoản tiền đó không thể đầu tư sản xuất cho quy mô” – ông Tống Thanh Bình nói – “Quan điểm của tôi là xem xét tăng định mức cho vay”.

Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc NHCSXH – cho hay, hiện giờ các chương trình tín dụng phải thiết kế trần mức vay vì nguồn vốn có hạn. Ông Lý cũng chia sẻ về một đề xuất  “đục trần” mức vốn để hộ nghèo DTTS được vay nhiều hơn, nhằm tăng hiệu quả việc vay vốn và sử dụng vốn của bà con DTTS, đi kèm hướng dẫn làm ăn để phù hợp của điều kiện của bà con.

Nhiều ý kiến từ cơ sở và các chuyên gia cũng cho rằng, để việc triển khai cho vay tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị Quốc hội quy định một tỉ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách được kịp thời, nhất là các chương trình tín dụng dành cho đồng bào DTTS. Các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội đảm bảo vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ mở rộng đối tượng hộ DTTS có mức sống trung bình (không giới hạn hộ DTTS nghèo) được vay vốn, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, với thời gian dài hơn (trên 10 năm) để phù hợp dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng DTTS” - ông Lê Ngọc Thái, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn số 4 xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam)  và nhiều hộ vay DTTS bày tỏ - “Đồng thời, xây dựng Quỹ khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật dành riêng cho đồng bào DTTS để chủ động kết hợp với hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay, và xây dựng Quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên là đồng bào DTTS”. 

Đọc thêm