Hàng Việt trong hội nhập quốc tế: Thương hiệu vẫn là khâu yếu

(PLO) - Thời gian qua, đã có nhiều thương hiệu Việt vượt tầm quốc gia, vươn ra thị trường thế giới nhưng thương hiệu vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay. 
Xây dựng thương hiệu là góp phần nâng cao tính cạnh tranh của DN
Xây dựng thương hiệu là góp phần nâng cao tính cạnh tranh của DN

Tìm lời giải cho bài toán này, hôm qua (27/12), tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam và Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế”.

Kết nối cung - cầu còn nhiều tồn tại 

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi về nhận thức, hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Đến nay, hơn 90% người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, trong đó hơn 60% khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng hàng Việt. Điều đó tạo nên sự khích lệ to lớn để DN tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm tốt cũng như tiếp tục có những giải pháp để giảm giá thành sản phẩm…

“Thời gian qua, MTTQ Việt Nam thông qua Hiệp hội DN Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phát động các DN phát huy các sáng kiến, cải tiến quy trình sản xuất để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh… Đây cũng là các giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về thương hiệu Việt của các DN trong xu hướng hội nhập quốc tế” - bà Ánh nhận định. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, việc nâng cao năng lực của các DN, nhất là thương hiệu của DN, thương hiệu sản phẩm là yêu cầu rất quan trọng, điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới thị trường thế giới. 

Cho rằng, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN Việt thì hoạt động kết nối cung - cầu phải luôn được quan tâm hàng đầu, nhưng bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước- Bộ Công Thương thừa nhận, hoạt động kết nối cung - cầu vừa qua còn nhiều tồn tại do cung - cầu chưa gặp nhau. Nhiều đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các hộ nông dân.  

“Nguyên nhân là do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng”- bà Nga cho biết.

Tìm lời giải để giữ gìn thương hiệu 

Đại diện các cơ quan quản lý và các DN -là những người tham gia trực tiếp trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- đã nêu không ít khó khăn và thiệt thòi mà các DN Việt gặp phải khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Theo Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, ông nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam dù chất lượng và hương vị khá hấp dẫn nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu điểm, đó là chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt, cùng với đó là công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.

Chung băn khoăn này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng thời gian qua các DN Việt Nam đã có cải thiện trong xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, hơn 90% DN ở Việt Nam là vừa và nhỏ, vì vậy việc xây dựng thương hiệu vấp phải không ít khó khăn; bên cạnh đó vẫn còn nhiều DN chưa có ý thức  mạnh mẽ trong việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu của mình. Vì thế, sản phẩm của các DN Việt  thường kém cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài ngay trên chính “sân nhà”. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh hàng nhái, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ… khá phổ biến, theo ông Phú, không có cách nào khác là các DN phải nâng cao chất lượng thương hiệu của mình để cạnh tranh, cùng với đó tổ chức các kênh phân phối hàng Việt hiệu quả.

Thế nhưng, đại diện Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao lại có mối nỗi lo khác: “Thương hiệu càng uy tín thì càng bị làm giả, làm nhái nhiều, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”. Bởi vậy, trả lời cho bài toán trên, đại diện Công ty này chia sẻ bí quyết: “DN cần phải có giải pháp hỗ trợ  người dân trong việc nhận diện thương hiệu để mua được đúng sản phẩm có chất lượng,  không mua nhầm hàng nhái, hàng giả”. 

Và, muốn người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng, một trong những giải pháp mà ông Nguyễn Chí Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đưa ra là nên đầu tư hệ thống chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, “vì những nơi đó người dân chưa có cơ hội để được dùng hàng Việt có chất lượng”- ông Thắng nói.

Nhưng, vấn đề quan trọng hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế - theo bà Lê Việt Nga - là các DN phải không ngừng đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. DN phân phối cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các DN, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu. 

Đọc thêm