Hậu Giang bàn giải pháp gỡ khó cho người trồng mía

(PLVN) - Trước thực trạng mía thu hoạch muộn làm người dân lo lắng, ngày 4/11, UBND tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo các sở, ban ngành đã làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân.
Nhiều hecta mía vẫn chưa được thu hoạch
Nhiều hecta mía vẫn chưa được thu hoạch

Doanh nghiệp cam kết mua hết mía của dân

Vụ mía năm nay được đánh giá cho năng suất khá cao, tuy nhiên giá thành thấp; chi phí nhân công thu hoạch đắt, thời gian thu hoạch muộn khiến nhiều ruộng mía quá lứa, úa vàng làm giảm năng suất của bà con.

Niên vụ mía 2018-2019  toàn tỉnh có hơn 8.000 ha trồng mía tập trung ở các huyện Phụng Hiệp, TX Ngã Bảy, TP Vị Thanh… Sản lượng ước đạt trên 850.000 tấn. Tuy nhiên, thu hoạch mía chậm hơn cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm hiện tại chỉ thu hoạch hơn 3.000ha, giảm gần 850ha so với cùng kỳ. 

Theo ngành chức năng, tiến độ thu hoạch mía chậm là do hiện trên địa bàn chỉ có Nhà máy Đường Phụng  Hiệp hoạt động. Mía thu hoạch theo lệnh đốn của công ty cấp và thiếu nhân công. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco thừa nhận việc chậm trễ trong việc thu hoạch mía cho bà con.

Tuy nhiên, theo phía Công ty, hoạt động của nhà máy đường là tính toán trên sản lượng mía toàn vùng. Vì Công ty không biết Công ty Mía đường Long Mỹ Phát có hoạt động lại hay không nên mất thế chủ động trong việc ước tính sản lượng nguyên liệu.  

Theo ông Hiếu, tổng sản lượng mía ép đến nay gần 48.000 tấn. Công ty đang duy trì công suất ép từ 2.400 – 2.600 tấn/ngày và sẽ phát huy công suất tối đa khi hệ thống thiết bị hoạt động ổn định và lượng mía nguyên liệu về nhà máy ổn định. 

Tính đến ngày 4/11, lượng mía tập kết về nhà máy với tổng sản lượng trên 53.500 tấn. Riêng với tỉnh Hậu Giang tổng sản lượng mía về nhà máy gần 45.000 tấn, trong đó mía có ký hợp đồng bao tiêu là 28.910 tấn, mía ngoài hợp đồng bao tiêu là 15.987 tấn.  

Đồng thời, ông Hiếu khẳng định, ngày 11/11 sẽ khởi động lại Nhà máy Mía đường Sóc Trăng (công suất 2.500 tấn/ngày). “Công ty quyết tâm làm tốt khâu bao tiêu, đảm bảo mua hết lượng mía trong dân”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ưu tiên thu mua cho những vùng ngập úng

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban ngành đưa ra một số thực trạng khó khăn của người dân gặp phải khi thu hoạch mía chậm. Từ đó yêu cầu Công ty sớm thu mua hết số mía đã trồng trong dân và nâng giá mía để bà con trong vùng nguyên liệu yên tâm bám trụ với nghề. 

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đề nghị, Công ty cần tính toán lại công suất chạy cho phù hợp để kịp thời tiêu thụ sản lượng mía cho dân. “Mặt khác, cần kiểm tra việc thu mua mía của thương lái để đảm bảo giá cả ổn định, tránh thiệt thòi và làm người dân chán nản tự chuyển đổi sang loại cây trồng khác một cách tự phát, khó kiểm soát”, ông Hùng nói.

Tương tự, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho rằng, cây mía gắn bó với người dân Phụng Hiệp bao đời nay. Ba năm gần đây, mía mất giá, chính quyền cũng chia sẻ khó khăn với Công ty.

Tuy nhiên, Công ty cũng cần dung hòa các hình thức thu mua, thanh toán để đảm bảo các công đoạn được kiểm soát chặt chẽ, người dân có được nguồn lãi nhất định. Đồng thời, Công ty cần có giải pháp nâng cao công nghệ, cơ giới hóa để giảm lượng nhân công, hỗ trợ vốn cho người dân để giúp nông dân vùng trồng mía yên tâm bám trụ với nghề.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Casuco thực hiện cam kết thu mua hết mía cho bà con
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Casuco thực hiện cam kết thu mua hết mía cho bà con 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tăng cường kiểm soát đường trên thị trường để ngăn chặn buôn lậu đường và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Mặc dù là ngành kinh doanh lâu năm nhưng ngành đường Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn mấy nhà máy do hoạt động khó khăn. Theo ông Tuyên, cần có phương thức hỗ trợ giống, kỹ thuật để duy trì diện tích sản xuất mía để ngành mía hoạt động lâu dài. 

“Phía Công ty thực hiện cam kết phải tiêu thụ hết mía trên địa bàn của nông dân kể cả trong hợp đồng và ngoài hợp đồng, ưu tiên thu mua sớm cho những vùng ngập úng. Khi thị trường ổn định, Công ty cần hỗ trợ tăng giá mía cho phù hợp, đồng thời đẩy nhanh việc thanh toán tiền công thu hoạch cho nhân công trong thời gian sớm hơn”, ông Tuyên nói.

Với huyện Phụng Hiệp, ông Tuyên đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện thống kê để báo cáo chi tiết diện tích, sản lượng mía hiện tại. Chú ý những diện tích ngập úng để việc thu hoạch ít bị hao hụt, thiệt hại. Đặc biệt, phải tuyên truyền cho dân hiểu rõ việc cam kết thu mua hết mía trong dân để bà con yên tâm bán mía cho doanh nghiệp theo thứ tự. Khuyến cáo bà con cẩn trọng với việc chuyển đổi sản xuất sang các loại cây trồng khác.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Công ty Casuco cam kết sẽ thực hiện các ý kiến của lãnh đạo tỉnh với ý thức, trách nhiệm cao nhất. Đồng thời khắc phục hạn chế về thiết bị để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng hoạt động các nhà máy. Công ty sẽ nâng cao công suất lên tối đa để hỗ trợ thu mua cho người dân, đặc biệt là vùng ngập úng.

Đọc thêm