Hệ thống Kho bạc nhà nước: Dịch vụ công trực tuyến và mục tiêu “3 không”

(PLVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, năm 2020, với việc triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Kho bạc nhà nước đã thực hiện được “không” thứ hai là “không có người đến giao dịch tại trụ sở”…
Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 hôm 16/12 của Kho bạc Nhà nước.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 hôm 16/12 của Kho bạc Nhà nước.

98% lượng giao dịch chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 hôm 16/12 của KBNN, năm 2020, tuy dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế đất nước nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt qua các khó khăn, hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nổi bật nhất trong năm 2020, hệ thống KBNN đã tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó tập trung vào việc nâng cao, hoàn thiện hiệu năng chương trình DVCTT; tuyên truyền vận động, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT; triển khai thí điểm kết nối và tích hợp các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp vào hệ thống DVCTT tại các đơn vị có quan hệ ngân sách trên địa bàn 4 quận của Hà Nội. 

Đến nay, KBNN đã cung cấp 9/11 thủ tục DVCTT mức độ 4 (số lượng hồ sơ giao dịch của 9 thủ tục này chiếm 90% hồ sơ giao dịch của KBNN); hoàn thành tích hợp 7/9 thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm triển khai của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 77,8% và vượt 47.8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính đến nay, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc đối tượng giao dịch qua DVCTT mức độ 4; Tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN đi qua DVCTT đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT.

Việc triển khai mạnh mẽ DVCTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao có hiệu quả sử dụng vốn NSNN.

Ngành KBNN cũng đặt mục tiêu trong thời gian tới tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá công nghệ thông tin để sớm trở thành KBNN số theo Đề án Chiến lược phát triển đến năm 2030.

Hướng tới mục tiêu “3 không”

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả hệ thống KBNN đạt được trong năm 2020, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai DVCTT.

Thứ trưởng cho biết, năm 2019, KBNN đã làm được việc đầu tiên là không có bạc (không giao dịch tiền mặt). Năm 2020, KBNN tiếp tục làm được việc nữa là không có người đến giao dịch tại trụ sở, vì đã thực hiện thanh toán theo phương thức điện tử (DVCTT). Do đó, KBNN cần tiếp tục củng cố và nâng cao nhiệm vụ cải cách hành chính để thực hiện việc cuối cùng trong “3 không” là không chứng từ giấy, trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị ngành KBNN cần tiếp tục khẳng định vai trò của ngân quỹ là quản lý ngân quỹ quốc gia, ngân khố quốc gia hay quản lý tài chính quốc gia. “Đây là 2 lĩnh vực khác nhau. Chúng ta không phải là người quản lý tất cả nhưng chúng ta phải là 1 bộ phận trong đó” - Thứ trưởng nhấn mạnh…

Đánh giá cao việc lập báo cáo tài chính nhà nước của KBNN, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, “lần đầu tiên 63 tỉnh thành xây dựng được báo cáo tài chính nhà nước. Đây là báo cáo cực kỳ quan trọng với quốc gia. Báo cáo này khác với báo cáo ngân sách bởi phạm vi của báo cáo rất lớn, bao gồm tài chính nhà nước ngoài ngân sách, các quỹ tài chính nhà nước, công nợ, tài sản quốc gia”.

Thứ trưởng dẫn chứng: Bộ Giáo dục - Đào tạo, năm 2018, ngân sách cấp cho các trường đại học là 2.800 tỷ đồng, nhưng số thu của các trường đại học là 10.600 tỷ đồng. Đối với Bộ Y tế, ngân sách cấp cho bộ này để chi cho bệnh viện là 6.200 tỷ đồng, nhưng số thu của các bệnh viện lên tới 39.000 tỷ đồng. Chi ngân sách của TP. Hồ Chí Minh cho các hoạt động giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội có 25.000 tỷ đồng, nhưng số thu từ nguồn này là 42.000 tỷ đồng…

Hay như, trước đây toàn bộ tài sản quốc gia đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không ai quản lý, không biết là bao nhiêu, giá trị còn lại là bao nhiêu… nay đã thống kê được. Do đó, báo cáo tài chính nhà nước là báo cáo quan trọng, lần đầu tiên chúng ta làm được để quản lý nguồn tài chính ngoài ngân sách hiệu quả hơn…

Về Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng cho rằng, muốn có Chiến lược phát triển kho bạc thì phải có Chiến lược phát triển tài chính quốc gia. Do đó, cần tập trung trí tuệ và mạnh dạn nghiên cứu với tầm chiến lược 10 năm và 20 năm…

Đến hết tháng 11/2020, luỹ kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% so với dự toán năm 2020 được giao. Trong đó: Thu ngân sách TW đạt 77,4% so với dự toán năm; Thu ngân sách địa phương đạt 91,1% so với dự toán năm. Cũng thời điểm này, lũy kế chi NSNN đạt 1.369,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 71,4% dự toán; Chi thường xuyên đạt 87,9% dự toán.

Hiện số thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN  chỉ chiếm 0,17% so với tổng thu qua KBNN (giảm 0,1% so với năm 2019); Số chi NSNN bằng tiềm mặt qua KBNN chiếm 1,1% so với tổng chi qua KBNN (giảm 1,42% so với năm 2019).

Đọc thêm