Hệ thống quản lý gỗ theo chuỗi: Gỗ lậu hết đường sống?

(PLO) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo quốc gia lấy ý kiến hoàn thiện để sớm trình Chính phủ ban hành trong năm nay. 
Quy định quản lý gỗ theo chuỗi có đẩy lùi được nạn phá rừng, buôn lậu gỗ hiện nay? Ảnh minh họa
Quy định quản lý gỗ theo chuỗi có đẩy lùi được nạn phá rừng, buôn lậu gỗ hiện nay? Ảnh minh họa

Một điểm mới gây chú ý là lần đầu tiên trong các văn bản QPPL, hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý thương mại đã được “luật hóa”. Và đây cũng là giải pháp được kỳ vọng sẽ ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ, sản phẩm gỗ bất hợp pháp. 

Hệ thống VNTLAS là gì?

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), Bộ NN&PTNT hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý thương mại (gọi tắt là VNTLAS) là vấn đề rất mới và quan trọng, được cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định đưa hẳn vào trong một Chương gồm 3 mục, 17 điều. 

Theo đó, hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp được giải thích là hệ thống quy định các bằng chứng về gỗ hợp pháp, phương pháp kiểm tra, xác minh các bằng chứng và tính tuân thủ pháp luật của các DN và hộ gia đình tham gia trong chuỗi cung (từ khâu khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán đến xuất khẩu gỗ) nhằm đảm bảo gỗ bất hợp pháp hoặc gỗ có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng không được tham gia vào chuỗi cung ứng. 

Cũng theo TCLN, VNTLAS tới đây sẽ được áp dụng cho tất cả các loại gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên và rừng trồng trong nước, gỗ sau xử lý tịch thu và gỗ nhập khẩu. Hệ thống mới cũng áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm gỗ thuộc hệ thống hàng hóa mô tả  và mã hàng hóa (mã HS) của tổ chức Hải quan thế giới. Đồng thời cũng áp dụng cho tất cả các đối tượng là tổ chức và hộ gia đình tham gia trong chuỗi cung.   

Nói về quy định mới quản lý gỗ theo chuỗi trong quá trình sản xuất, chế biến và thương mại, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Việc quản lý chuỗi là để tạo ra cơ chế liên kết, đảm bảo quy trình đó đúng quy định của pháp luật và sẽ truy xuất được gỗ hợp pháp, làm rõ được nguồn gốc gỗ cùng với việc đạt các yêu cầu về môi trường về lao động, nghĩa vụ với ngân sách.  “Đây là điểm mới khi Việt Nam đang hợp tác, ký kết nhiều hiệp định đối tác quan trọng. Các đối tác cũng đang cùng Việt Nam hoàn thiện những quy định về quản lý nguồn gốc gỗ lâm sản trong điều kiện biến đổi khí hậu” - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Sẽ phân loại doanh nghiệp

Một trong những điểm đáng chú ý về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp là quy định về mức độ rủi ro DN tham gia trong chuỗi cung. 

Theo TCLN, phân loại mức độ rủi ro DN là một cấu phần của hệ thống VNTLAS và được áp dụng đối với tất cả DN tham gia chuỗi cung gồm khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, mua bán, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của hệ thống VNTLAS. Việc phân loại DN cũng để đánh giá mức độ rủi ro của tất cả DN về việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống VNTLAS. Qua đó nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật của DN; thực hiện các biện pháp xác minh cho xuất khẩu phù hợp và kịp thời; và khuyến khích DN tuân thủ pháp luật. 

Đáng chú ý, theo quy định trong Dự thảo Nghị định mà cơ quan soạn thảo đang xin ý kiến, việc phân loại DN sẽ được vận hành liên tục thông qua cơ chế tự đánh giá của DN được thẩm định và xác minh bởi Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh/TP hoặc chủ thể khác được Chính phủ ủy quyền. Và kết quả xếp hạng DN trên hệ thống phân loại DN sẽ được Cục Kiểm lâm công bố công khai trên Website trước ngày 31/12 hàng năm và cập nhật thường xuyên kết quả phân loại bất thường… 

Trong những năm qua, kinh tế lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, dư địa phát triển cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Bên cạnh tín hiệu khả quan từ thị trường tiêu thụ nội địa, dự báo trong năm 2018 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ sẽ tăng 4%, ngành gỗ Việt Nam tin tưởng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD . 

“Từ tiềm năng như vậy, để ngành gỗ phát triển bền vững tôi mong muốn các DN Việt Nam cần đầu tư bài bản, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ra thế giới” - Thứ trưởng Tuấn đề nghị cộng đồng DN có ý thức trong việc tham gia hệ thống quản lý gỗ theo chuỗi mà Bộ NN&PTNT đang xây dựng để sớm trình Chính phủ ký ban hành trong năm nay.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp là 1 trong 4 Nghị định quan trọng được Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo để hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp. Dự thảo này được kết cấu 10 chương, 116 điều và phần phụ lục. Ngoài kế thừa những quy định trước đó về lĩnh vực lâm nghiệp thì Dự thảo Nghị định có nhiều điểm sửa đổi rất mới, đáng lưu ý như: hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý thương mại , tiêu chí xác định ba loại rừng, trình tự thủ tục chuyển loại, mục đích sử dụng rừng, về tổ chức cơ quan chuyên môn lâm nghiệp ở địa phương, tiêu chí đóng, mở cửa rừng tự nhiên… Đến nay đã hoàn thành Dự thảo lần 1 và đưa ra lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trước khi lấy ý kiến chính thức từ các bộ ngành, địa phương và đăng trên trang Web của Bộ để lấy ý kiến rộng từ người dân.

Tổng cục trưởng TCLN Nguyễn Quốc Trị

Đọc thêm