Hết thời sản xuất phân bón theo công nghệ 'cuốc xẻng'

(PLO) -Dự thảo Nghị định quản lý phân bón đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng  kỳ vọng sẽ loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn không chân chính, chấm dứt tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vốn lâu nay đang hoành hành trên thị trường. 
Thị trường phân bón sẽ lành mạnh khi nghị định quản lý phân bón thế hệ mới sẽ được ban hành? (Ảnh minh họa)
Thị trường phân bón sẽ lành mạnh khi nghị định quản lý phân bón thế hệ mới sẽ được ban hành? (Ảnh minh họa)

Dự thảo nghị định mới đang được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến gồm 9 chương, 55 điều, 6 phụ lục với nhiều điểm mới. Theo Cục Bảo vệ thực vật, Dự thảo Nghị định này được xây dựng trên tinh thần kế thừa có chọn lọc Nghị định 202/2013 nên những quy định phù hợp sẽ tiếp tục được giữ lại nhằm mục đích không làm gián đoạn, tạo điều kiện cho hoạt động doanh nghiệp (DN) được diễn ra bình thường. 

Ai được quyền khảo nghiệm?

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để nghị định được xây dựng “có chất lượng” , hàng loạt các vấn đề về phân cấp quản lý, điều kiện kinh doanh, quy định khảo nghiệm, đặt tên, nhãn mác phân bón... được cơ quan chủ trì soạn thảo lần lượt được lấy ý kiến từ các DN, địa phương và các hiệp hội để hoàn thiện. 

Những điểm mới gây chú ý và nhận được nhiều ý kiến phản hồi là quy định về khâu khảo nghiệm phân bón, định nghĩa về phân bón, các quy định về sản xuất phân bón... Ví dụ, tại khoản 8 Điều 3 của Dự thảo Nghị định có định nghĩa: phân bón khác là các loại phân bón hỗn hợp của phân vô cơ và hữu cơ hoặc các loại phân bón có chưa ít nhất một trong các thành phần: vi sinh vật, chất sinh học, chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, đất hiếm, chất có tác dụng cải tạo đất.  

Ông Văn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đề nghị bỏ mục “phân bón khác”, đưa vào mục chất cải tạo đất chứ các chất đó không phải phân bón. Đồng tình, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng: “Phân bón khác là phân bón gì? Khi chúng ta đã có đầy đủ các tên gọi phân bón rồi thì không cần đưa “phân bón khác” vào quy định cho rắc rối”. 

Cũng tại Điều 14, mục 3 của dự thảo có quy định: Trừ các loại phân bón đơn và phân bón phức hợp sử dụng để bón rễ, các loại phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhân để đưa vào danh mục.  Ngoài các loại phân bón bắt buộc phải được khảo nghiệm tại các tổ chức đủ điều kiện, thì tổ chức, cá nhân được tự tiến hành khảo nghiệm khi có các điều kiện theo quy định. 

Theo ông Nguyễn Anh Kết, Tổng Giám đốc Cty CP Thanh Hà để tránh thủ tục rườm rà, việc khảo nghiệm nên để cho DN tự làm và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm của mình.  Ông Sơn cũng cho rằng: “Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đồng tình có phòng thử nghiệm, phân tích để kiểm soát đầu vào - đầu ra, nhưng không nên chỉ định phòng phân tích, bởi như thế sẽ phát sinh thủ tục “xin-cho”. DN nào cũng bị chỉ định thì đến lúc có vấn đề gì xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm, xử lý thế nào?”. 

Trong khi đó, ông Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam lại quả quyết cần phải đấu tranh có phòng thí nghiệm, không có không được. “Đó là quy định rất cần thiết và đáng ra phải làm từ lâu, các phòng phân tích phục vụ lợi ích trước tiên là của DN nhằm đảm bảo sản phẩm của mình đúng chất lượng. Khi sản phẩm đúng chất lượng thì người nông dân cũng yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, việc dự thảo giao cho tư nhân có quyền tự khảo nghiệm là không hợp lý, không thể để tình trạng “tự đá bóng, tự thổi cỏi”” - ông Thúy nêu quan điểm. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Cty Tiến Nông (Thanh Hóa) cho hay đã là DN sản xuất phân bón, không thể không có phòng phân tích đạt chuẩn quốc gia. Và chi phí cho một phòng phân tích đạt chuẩn không quá tốn kém, chỉ khoảng 3 tỷ đồng.

“Ngoài các công ty, DN có phòng phân tích, các đơn vị quản lý nhà nước cũng cần có phòng phân tích để khi tranh chấp xảy ra giữa các phòng phân tích, cần có đánh giá của đơn vị quản lý phân bón để làm cơ sở xử lý” - ông Phong nêu ý kiến.

Phải có 10 tỷ mới được sản xuất phân bón

Tổng Giám đốc Công ty Tiến Nông nói các DN sản xuất phân bón chân chính không sợ bị cạnh tranh, trong thời buổi cơ chế thị trường, càng cạnh tranh, thị trường càng minh bạch, nông dân được lợi vì vừa có sản phẩm chất lượng cho cây trồng, giá lại hợp lý. 

Đại diện DN này cảm thấy bức xúc các sản phẩm sản xuất bằng công nghệ “cuốc xẻng”, làm giả và nhái các sản phẩm có thương hiệu, uy tín hoành hành trên thị trường mà không có biện pháp mạnh tay xử lý. Để xóa bỏ tình trạng sản xuất phân bón theo công nghệ “cuốc xẻng”, ông Phong đề nghị trong quy định điều kiện sản xuất phân bón, cần ghi thêm nội dung phải có vốn điều lệ 10 tỷ đồng mới cho DN đăng ký sản xuất phân bón.

“Bây giờ mấy ông vốn chỉ 400-500 triệu cũng có thể đăng ký thành DN sản xuất phân bón. Rất đơn giản. Là ngành kinh doanh có điều kiện, tôi đề nghị cần phải siết chặt điều kiện này” - ông Phong nói. 

Còn ông Nguyễn Anh Kết, TGĐ Cty CP Thanh Hà cũng đồng tình cần phải làm lành mạnh hóa các DN sản xuất phân bón hiện nay. Ông Kết đề nghị phải nâng chế tài xử phạt những hành vi vi phạm trong sản xuất phân bón lên thật nặng để đủ sức răn đe.

Tiếp thu những kiến nghị này, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho hay song song với việc xây dựng nghị định quản lý phân bón, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón để làm cơ sở tiến tới xóa bỏ tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng trong ngành hàng này hiện nay.

Doanh nghiệp có 24 tháng để chuẩn bị thực hiện theo nghị định mới

“Dự thảo nghị định mới được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để các vấn đề nhức nhối trong sản xuất kinh doanh phân bón. Theo đó, nghị định sẽ tập trung làm cụ thể chi tiết các vấn đề phân công, phân cấp trong quản lý phân bón, khảo nghiệm, sản xuất đóng gói phân bón, điều kiện kinh doanh, quy định đặt tên và nhãn mác phân bón.

Đặc biệt, để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ được áp dụng ngay, không cần thêm thông tư hướng dẫn. DN sẽ có 24 tháng để chuẩn bị thực hiện theo nghị định mới”- Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh.

Đọc thêm