Hiệp định EVFTA - Hiện thực hóa triển vọng: Kỳ 2 - Doanh nghiệp cần thay đổi gì để tận dụng EVFTA?

(PLVN) - Các triển vọng của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đều đã được nói đến rất nhiều nhưng tận dụng được các cơ hội này có dễ dàng không?
DN Việt cần thay đổi cách tiếp cận với đối tác châu Âu
DN Việt cần thay đổi cách tiếp cận với đối tác châu Âu

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, hơn ai hết, chính doanh nghiệp phải chủ động tham gia “sân chơi” lớn này.

Thách thức tiếp cận thị trường

Châu Âu (EU) là một thị trường lớn và đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng đáp ứng được các yêu cầu của các nước EU. 

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM - Bộ Công Thương), để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của EVFTA, các DN phải đáp ứng được các quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nông nghiệp. Một số báo cáo và phân tích đã đánh giá đây là những thách thức rất lớn đối với các DN khi muốn tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA.

Cũng theo ông Phú, một thách thức khác cũng khá lớn đối với DN Việt Nam khi thực hiện các hoạt động tìm kiếm đối tác và XTTM tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU. Đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm hữu hình là bước bắt đầu cơ bản nhất nhưng để giao dịch, trao đổi thành công với khách hàng châu Âu còn có nhiều yếu tố, giá trị và dịch vụ vô hình. Đó là các công cụ giao tiếp với khách hàng.

“Điểm tiếp xúc đầu tiên là website, các tài liệu marketing sử dụng mạng xã hội, tiến xa hơn là đội ngũ bán hàng với năng lực ngôn ngữ, phong cách làm việc, hiểu biết về văn hoá. Những nhân tố tuy vô hình này thực ra lại đóng vai trò vô cùng quan trọng để có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải DN cứ đọc thông tin trên báo chí, các phương tiện truyền thông là có thể nắm hết được, mà đòi hỏi DN phải có nghiên cứu, đầu tư chi phí để mua thông tin dữ liệu từ thị trường này mới có thể xúc tiến XK được” - ông Phú nói.

Ông Phú cũng cho biết thêm, ở châu Âu hầu hết đội ngũ cán bộ mua hàng của các DN đều sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, rất chuyên nghiệp. Trong khi các DN Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách cần hoàn thiện so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, Indonesia, Peru, Columbia hay Madagascar, Nam Phi… về cách làm việc và giao dịch với các khách mua hàng châu Âu cũng như cách tìm kiếm dữ liệu thị trường có sức mua cực lớn này. 

Chọn thị trường ngách hay đầu tư dàn trải?

Theo đại diện Cục XTTM, EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng khác biệt. Trong khi đó, DN Việt lại chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm cần cải thiện nên cần có cách tiếp cận thị trường phù hợp để có thể tận dụng tốt nhất những lợi thế từ Hiệp định này. 

Các thị trường đầu tàu truyền thống (như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Bỉ) được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, DN cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình. Mặt khác, thị trường EU là một thị trường có giá trị gia tăng cao nên rất nhiều nhà XK trên thế giới quan tâm đến thị trường này. Tiếp cận được với EU cũng đã coi như đặt chân được đến khắp nơi trên thế giới. 

Hơn nữa, EU còn có rất nhiều đối tác đã có hiệp định thương mại và những đối tác này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam khi tiếp cận thị trường. Do đó, bên cạnh các thị trường truyền thống, có nhiều thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh và cách tiếp cận thị trường của các DN vừa và nhỏ. 

Ông Phú cũng cho hay, Cục XTTM đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng rà soát, đánh giá và khuyến nghị 10 ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU. Căn cứ vào tiềm năng thị trường, khả năng cung ứng của Việt Nam và nội dung của Hiệp định EVFTA, một số mặt hàng được nhìn nhận có cơ hội lớn theo Hiệp định bao gồm thủy sản, trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su (thuộc nhóm nông sản thực phẩm); Nhóm Công nghiệp chế biến gồm dệt may, da giày, đồ gỗ và nhóm hàng điện tử. 

Tuy nhiên, tìm được thị trường ngách để đầu tư là một chuyện, để tận dụng được các lợi thế mà EVFTA mang lại mới là vấn đề quan trọng. Do đó, muốn hưởng những lợi thế mà các đối thủ khác chưa có được ở EU, DN Việt cần thay đổi cách nhìn nhận về những yêu cầu mới được đưa ra theo EVFTA để tìm ra được thị trường lợi thế nhất của mình, qua đó dần tiếp cận với các quốc gia còn lại.

Đọc thêm