Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không cần nhiều, chỉ cần... thực chất

(PLO) - Để giải quyết những hạn chế, bất cập trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Hỗ trợ DNNVV đang được xây dựng. Rất nhiều chính sách, cơ chế dành cho DNNVV quy định trong Dự thảo được hoan nghênh nhưng nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, việc hỗ trợ không cần nhiều mà cần sự thực chất.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ thiết thực về cơ chế, chính sách.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ thiết thực về cơ chế, chính sách.

Mới dừng ở những quy định chung chung

 Thông tin tại Hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV – Dưới góc nhìn cộng đồng DN” do Câu lạc bộ Pháp chế DN (Bộ Tư pháp) và Công ty Luật TNHH Vietthink tổ chức hôm qua (10/3), Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy cho biết, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mới nhất có 4 chương, 40 điều.

Đáng chú ý, so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Dự thảo lấy ý kiến có một số điểm sửa đổi. Theo đó, Dự thảo Luật thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất, kinh doanh về tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DNNVV theo mục tiêu. 

Đặc biệt, để phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng. Dự thảo Luật thiết kế hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV (8 nội dung); hỗ trợ theo mục tiêu có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ nền kinh tế. Các nội dung hỗ trợ DNNVV sẽ theo mục tiêu và đưa ra các nguyên tắc tạo sự linh hoạt cho Chính phủ dễ hướng dẫn, dễ thực hiện.

Giới thiệu về các nội dung hỗ trợ DNNVV, bà Thủy cho biết, Dự thảo dành một chương quy định vấn đề này. Các nội dung hỗ trợ cơ bản bao gồm tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực. 

Cụ thể, về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, Dự thảo Luật quy định Chính phủ quyết định các cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với DNNVV. DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV. Về hỗ trợ thuế, Dự thảo Luật đưa ra hai phương án hoặc áp dụng một mức thuế chung cho tất cả DNNVV hoặc áp dụng các mức thuế theo quy mô DNNVV. Về hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, DN, tổ chức đầu tư kinh doanh các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất như áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư; được hưởng ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN… 

Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, các nội dung hỗ trợ trong Dự thảo Luật còn rất chung chung. Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) Nguyễn Quang Tuyến thẳng thắn nhận định, nếu các điều khoản của Dự thảo Luật cứ dẫn chiếu đến các Luật khác thì DNNVV sẽ không rõ họ được hỗ trợ những gì, cơ chế như thế nào. Trước quan điểm cho rằng không phải DNNVV nào cũng muốn chỉ cần hỗ trợ vốn, ông Tuyến lại khẳng định, nội dung hỗ trợ trước hết vẫn phải bằng tiền. Tuy nhiên, ông Tuyến lưu ý, Dự thảo Luật mới nói đến tiền ngân sách, còn các nguồn lực phi ngân sách chưa được đề cập và mong muốn Luật này khi được ban hành không tạo ra sự ỷ lại của DNNVV.

“Ươm mầm” cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. 

Theo Dự thảo Luật, việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh là nhằm thúc đẩy các hộ chuyển đổi thành DN, gia tăng tính minh bạch, cơ hội tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ đối tượng này phát triển. Khi chuyển đổi, hộ kinh doanh được cơ quan đăng ký kinh doanh tư vấn hồ sơ, hỗ trợ thủ tục đăng ký chuyển đổi; được miễn lệ phí đăng ký DN; được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 2 năm đầu kể từ khi  đăng ký thành lập DN; được áp dụng chế độ kế toán đơn giản trong thời hạn tối đa là 2 năm…

Nổi bật hơn cả là nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Chẳng hạn, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương của nhân lực công nghệ cao làm việc tại DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ, thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn đo lường chất lượng… Trong từng thời kỳ, Chính phủ thực hiện cấp bù lãi suất để hỗ trợ khoản vay đối với các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Dự thảo còn quy định Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để kêu gọi đầu tư vào các DN, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Các khoản đầu tư của nhà đầu tư cá nhân vào Quỹ được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế thu nhập cá nhân…

Tán thành phương án hỗ trợ có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, ông Vũ Văn Tính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) cho biết ông cùng các đồng nghiệp có tham khảo kinh nghiệm một số nước về vấn đề này. Ông Tính dẫn chứng, Pháp có những chương trình riêng cho các DNNVV theo từng thời kỳ. Các chương trình có thể dành cho DN hoạt động trong những lĩnh vực cụ thể như công nghệ, nông nghiệp… tùy thuộc ưu tiên của Chính phủ. Một kinh nghiệm khá hay của Pháp được ông Tính nêu ra là Pháp quy định các DN được dùng lợi nhuận của mình mua cổ phần, cổ phiếu của DNNVV thì sẽ được miễn thuế thu nhập DN.

Đọc thêm