Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tranh cãi về vai trò của VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp

(PLO) - Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, với nhiều nội dung thu hút được sự quan tâm của dư luận và cộng đồng DN. Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi là vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội DNNVV trong việc hỗ trợ cho DN.
Ảnh minh họa: Trần Việt
Ảnh minh họa: Trần Việt

Phân định 3 cấp trách nhiệm

Theo Điều 29 Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (bản xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội) quy định về trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề, thì VCCI ngoài những nhiệm vụ chung về hỗ trợ phát triển DN đã được ghi trong Điều lệ, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các DN quy mô lớn với DNNVV.

Khoản 2 Điều này quy định, Hiệp hội DNNVV Việt Nam có trách nhiệm: Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là DNNVV; Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ DNNVV, tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật này; Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các DNNVV theo quy định tại Luật này; Thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ DNNVV; Cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các DNNVV theo quy định của pháp luật; Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các DNNVV; Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho DNNVV. 

Còn các hiệp hội ngành nghề phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển DNNVV theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, đây là một cách tiếp cận tương đối mới. “Như vậy, tổ chức hỗ trợ chính là Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Tuy vậy, có đến khoảng 97% số DN tại Việt Nam là DNNVV” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Tại sao có sự phân biệt?

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng: “Đây là Luật Hỗ trợ DNNVV nên nó hướng đến đông đảo cộng đồng DN Việt Nam. Hiệp hội DNNVV Việt Nam tuy có tên gọi đặc thù như vậy nhưng chức năng, vai trò, vị thế đều như các hiệp hội DN khác như Hiệp hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, các hiệp hội tại các tỉnh, thành mà hầu hết là gồm những DNNVV. Tại sao lại có sự khác biệt lớn trong trách nhiệm của các hiệp hội như vậy? Tại sao các hiệp hội khác lại không thể hỗ trợ thành viên của mình mà phải phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam? Như vậy thì có bình đẳng hay không?”

Ông Trần Đỗ Liêm - Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Kiên Giang – cho hay: “Thực tế DN do tôi làm chủ và Hội DN tỉnh Kiên Giang là hội viên của VCCI và hội viên của Hiệp hội DNNVV được 5-7 năm. Chúng tôi nhận thấy Hiệp hội DNNVV cũng như các Hiệp hội khác, không thể chỉ có Hiệp hội DNNVV mới được giao 6 chức năng bao quát như Dự thảo ghi nhận được, dẫn đến Hiệp hội DNNVV được giao tất cả chức năng gần như “siêu Bộ”, điều này là “vô duyên” và nên bỏ”.

Còn ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Phú Thọ - bày tỏ: “Những người làm chính sách cứ ngồi ở trên làm chính sách là không đúng đâu,phải ngồi từ cơ sở. Tôi là thành viên của Hiệp hội DNNVV, 1 năm 2 lần họp nhưng không có năng động gì với địa phương chúng tôi cả. Nếu giờ giao cho chủ trì cái này, một hiệp hội ngang tầm các hiệp hội khác thì làm sao thay mặt Nhà nước để giao nhiệm vụ này được? Trong nội dung của luật cần xem kỹ, không khéo lại tạo ra các cản trở mới, tạo ra cái khó mới”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – cho hay, liên quan đến quy định tại Điều 29, Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Điều 29 ở những vấn đề chưa có tính thuyết phục và khả thi. “Dự kiến sẽ có những điều chỉnh hoặc có những tham vấn rộng rãi về Điều 29. Đặc biệt, nếu không làm rõ đây chính là giấy phép con, gây khó khăn cho DN chứ không phải là tạo điều kiện cho DN” – ông Bảo nói.

Đọc thêm