Hoa ly và chuyện thách thức hội nhập bị thổi phồng

(PLO) - Từ câu chuyện du nhập giống hoa ly, có thể nói người trồng hoa nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung thích ứng rất nhanh với cái mới, không cố bám vào giống cây cũ mà sẵn sàng từ bỏ khi không còn phù hợp với xu thế thị trường, họ không hề thủ cựu như vẫn bị đánh giá.
Hoa ly và chuyện thách thức hội nhập bị thổi phồng
Chiếm ngôi vị “quán quân”
Hoa ly được đưa từ nước ngoài vào thị trường nước ta từ khoảng chục năm trở lại đây, trồng hầu hết tại Đà Lạt. Tại miền Bắc, các địa phương nổi tiếng về trồng hoa như Tây Tựu, Mê Linh, Nhật Tân, Liên Mạc (Hà Nội), hay Xuân Quan, Phụng Công (Hưng Yên) mới chỉ trồng nhiều trong 2 – 3 năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn giống hoa này đã vươn lên trở thành “quán quân” về thị phần và diện tích gieo trồng. 
Anh Dũng, chủ nhà vườn trồng hoa Dũng Dư – 1 trong 3 cơ sở trồng và phân phối hoa ly lớn nhất tại làng hoa Tây Tựu cho biết, để phục vụ cho mùa tết năm nay, cơ sở của anh đã trồng hơn 150.000 củ giống trên diện tích 6 hecta, ước sẽ có khoảng 100.000 bông hoa ly nở đúng vào dịp Tết Bính Thân 2016.
Nếu như năm trước người dân tại làng hoa Tây Tựu thường trồng nhiều hoa cúc, hoa hồng thì năm nay hầu hết người dân trong làng đều chuyển sang trồng hoa ly. Lý giải cho điều này, chị Thu – người làng Tây Tựu – nhà có hơn 4 sào trồng hoa cúc cho biết: “Hầu hết mọi nhà ở đây đều chuyển sang trồng hoa ly, chỉ còn một số ít nhà không có điều kiện về vốn nên tiếp tục trồng các loại hoa như cúc, hồng, đồng tiền,  thược dược, lan,  loa kèn”.
Theo chủ cơ sở trồng và phân  phối hoa Dũng Dư, hoa ly giống được nhập khẩu hoàn toàn từ Hà Lan nên có giá khá cao, từ 10.000 – 20.000 đồng/củ giống tùy loại, do đó hoa thành phẩm có giá khá cao. Mặc dù vậy, khách hàng lại có xu hướng ngày càng chuộng hoa ly hơn các loại hoa khác, kể cả so với hoa hồng hay hoa đồng tiền vốn đã quá quen thuộc trong nhiều năm nay. Một bó hoa ly khoảng 7 – 10 cành có giá từ 180.000 đồng – 250.000 đồng tùy thời điểm.
Chợ hoa Quảng Bá – một trong những chợ hoa lớn nhất tại miền bắc, những ngày này tại đây ngập tràn màu sắc, mùi hương của hoa ly. Hoa ly chiếm hầu hết diện tích tại các sạp hàng. Vào các buổi đêm từ 1 – 3 giờ sáng, đến chợ hoa Quảng Bá sẽ thấy hầu hết chỉ là một sắc hoa là hoa ly, các loại hoa khác như hoa hồng, hoa cúc, thược dược và một số loại hoa khác chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số hoa được bán tại đây.
Chị Liên – tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá cho biết: “Hoa ly năm nay được mùa, người dân trồng nhiều nên bạn có thể thấy là tại đây sạp nào cũng bán hoa ly. Các loại hoa khác cũng có bán, nhưng số lượng rất ít. Hoa ly có số lượng bán nhiều nhất, sau đó đến hoa cúc”.
Thích ứng rất nhanh với cái mới
Cũng tại chợ này, một người bán khác cho biết: “Năm nay người ta trồng hoa ly nhiều, nhất là khu vực Tây Tựu, Liên Mạc, ở Hưng Yên có làng hoa Xuân Quan cũng mang hoa ly lên đây bán nên chợ này rất nhiều. Hoa ly dễ trồng, lại cho lãi cao hơn hẳn các loại hoa khác nên người ta đua nhau trồng. Một bó hoa đồng tiền có giá vài chục nghìn, trong khi một bó hoa ly có giá hiện nay là 200.000 – 250.000 đồng thì tội gì không trồng ly”.
Ông Nguyễn Văn Hóa (Mỹ Đình, Hà Nội), người chơi hoa ly cho biết: “Ly là loại hoa ưa lạnh, nhiệt độ thích hợp để ly phát triển là từ 15 – 25 độ C, với điều kiện thời tiết mùa đông ở nước ta có thể giữ hoa tươi được từ 7 – 10 ngày”.
Ngoài hoa ly là loại hoa được cả người trồng, người bán nhận xét là sẽ có số lượng bán ra nhiều nhất vào dịp tết 2016 với 5 – 7 giống khác nhau, năm nay còn có một số loại hoa mới có tại thị trường hoa Hà Nội và miền Bắc như: hoa kim cương, hoa chi, hoa vàng tàu. Cùng với những giống hoa đã có từ trước, thị trường hoa năm nay sẽ rất đa dạng về chủng loại cũng như giá bán.
Tất nhiên, dấn thân theo cái mới thì cơ hội luôn đi cùng thách thức đối với người trồng hoa. “Hy vọng hoa năm nay được giá, chứ thất bát như năm ngoái thì chúng tôi chỉ có nước ra đê mà ở, sổ đỏ, nhà cửa, ruộng vườn đã đem cầm hết trông vào cây ly rồi” – một cụ ông chia sẻ.
Các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đang thảo luận sôi nổi về cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế sau Hiệp định TPP. Nhiều thách thức đã bị thổi phồng. Xin mời các vị rời bàn giấy và đi thực tế về các ruộng hoa, chợ hoa để thấy người dân thích ứng rất nhanh với cái mới. 
Từ câu chuyện du nhập giống hoa ly, có thể nói người trồng hoa nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung đã biến cái hay của người thành của mình, không cố bám vào giống cây cũ mà sẵn sàng từ bỏ khi không còn phù hợp với xu thế thị trường mà không hề thủ cựu như vẫn bị đánh giá. 

Đọc thêm