Hoài Nhơn (Bình Định): Dân ồ ạt nuôi yến, ngành chức năng lúng túng

(PLO) - Nghề nuôi chim yến hiện rất phát triển trên địa bàn huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để quản lý.
Nhà nuôi yến nằm xen kẽ khu dân cư, được đầu tư xây dựng kiên cố
Nhà nuôi yến nằm xen kẽ khu dân cư, được đầu tư xây dựng kiên cố

Nhường nhà cho yến ở

Hiện nay, ngành chức năng của huyện Hoài Nhơn chưa thống kê chính xác số lượng các hộ gia đình nuôi yến tại địa phương; nhưng sơ bộ, con số này phải trên 100 trường hợp. Những hộ gia đình nuôi yến chủ yếu tập trung ở các xã Hoài Hải, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, thị trấn Tam Quan…, trong đó, nhiều nhất là tại xã Tam Quan Bắc và Hoài Hương. 

Chúng tôi về xã Tam Quan Bắc - địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi yến tại Hoài Nhơn - để “mục sở thị”. Tại các thôn Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2, Tân Thành 2…, không dưới 50 hộ gia đình đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng những ngôi nhà cao tầng hoặc tận dụng tầng thượng để nuôi yến. Có nhà đang xây để ở nhưng phát hiện yến bay về, gia chủ liền thay đổi thiết kế, giảm một phần diện tích nhà ở để “dành đất” nuôi yến. Đặc điểm dễ nhận ra những căn nhà nuôi yến là tất cả đều cao từ 2 đến 3 tầng, tường xây kín mít, trên tường chi chít lỗ thủng là nơi để yến bay ra, vào.

Nhà nuôi yến xuất hiện ở nhiều nơi, từ khu dân cư cho đến cạnh trường học, trung tâm hành chính xã; trong đó, đa số các hộ nuôi yến thực hiện mô hình “2 trong 1” theo kiểu “yến ở tầng trên, người ở tầng dưới”. Để thu hút, dẫn dụ chim yến, các hộ nuôi yến lắp đặt hệ thống âm thanh và mở suốt ngày đêm với tiếng kêu ríu rít nghe rất khó chịu. Thực trạng này phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ chất thải, nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư và chất lượng học tập của học sinh.

Nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, nhưng cũng là nổi khổ sở cho rất nhiều người có nhà ở cạnh. Tiếng dẫn dụ chim yến ríu rít cả đêm lẫn ngày khiến nhiều người inh tai nhức óc, còn các cháu học sinh thì không thể tập trung học tập. Ông Bùi Văn Hùng, một hộ dân ở thôn Tân Thành 2, than thở: “Tờ mờ sáng là người nuôi yến đã mở loa rồi, tiếng ríu rít văng vẳng trong tai rất khó chịu. Những người nuôi có cơ hội làm giàu, còn chúng tôi ở gần thì ngày đêm liên tục bị tra tấn bởi âm thanh phát ra”.

Khó kiểm soát, quản lý

Theo UBND huyện Hoài Nhơn, để quản lý hoạt động nuôi yến, huyện chỉ đạo Phòng kinh tế phối hợp UBND các xã, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi yến thực hiện Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22.7.2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.

Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi chim yến có trách nhiệm khai báo với Phòng Kinh tế huyện khi cơ sở mới bắt đầu nuôi; vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện. Các hộ nuôi yến sử dụng cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường… Tuy nhiên thực tế, hầu hết các hộ gia đình nuôi yến đều không tuân thủ các quy định này.

Một hộ nuôi yến ở thôn Thạnh Xuân Bắc, xã Hoài Hương, thành thật: “Tôi đầu tư xây dựng nhà 2 tầng để nuôi yến; lúc xây dựng không xin phép ai và cũng chẳng thấy chính quyền địa phương nói gì. Còn thông tư 35 gì đấy thì tôi cũng chẳng rõ và cũng không tìm hiểu làm gì”.

Bà Huỳnh Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, nhìn nhận: “Giá trị kinh tế từ nghề nuôi yến mang lại khá cao, song việc phát triển ồ ạt loài vật nuôi này chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, địa phương không thể cấm bà con nuôi mà chỉ dừng ở mức tuyên truyền, nhắc nhở chấp hành đúng quy định; đồng thời, khuyến cáo người dân không nên phát triển tràn lan nghề nuôi này”.

Còn theo ông Ngô Thanh Thoại, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, thì: Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT đã có hiệu lực từ lâu, nhưng do Sở NN-PTNT chưa hướng dẫn cụ thể nên địa phương chưa tổ chức thực hiện; nhất là vấn đề xử phạt đối với những hộ cố tình vi phạm. Còn việc đo mức độ âm thanh dẫn dụ chim yến không phải dễ, đòi hỏi phải có thiết bị, cán bộ chuyên môn.

“UBND huyện đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT đề nghị hướng dẫn cách thức tổ chức, quản lý và quy hoạch vùng nuôi yến; nhưng đến nay chưa nhận được văn bản phản hồi. Hiện nay, việc quản lý nuôi yến chủ yếu dừng ở việc thống kê, rà soát và nhắc nhở các chủ cơ sở tuân thủ quy định, đảm bảo công tác vệ sinh thú y. Tuy nhiên thực tế, việc kiểm soát, quản lý gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết người nuôi yến đều làm tự phát và rất ít chấp hành quy định”, ông Thoại cho biết thêm. 

Trước thực trạng này, UBND huyện Hoài Nhơn và các ngành chức năng của tỉnh Bình Định cần quy hoạch khu nuôi ở xa địa bàn dân cư. Đồng thời, khuyến cáo người dân không làm nhà theo kiểu vừa nuôi chim yến ở tầng trên, vừa sử dụng vào mục đích sinh sống ở bên dưới vì ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi có dịch bệnh xảy ra. Có như vậy, nghề nuôi chim yến mới phát triển bền vững, không gây ra những hệ lụy xấu tác động đến môi trường và đời sống của người dân. 

Đọc thêm