Hoạt động theo cơ chế mới: Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được sử dụng hiệu quả?

(PLVN) - Khi Chính phủ ban hành quyết định giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ (QBTĐB) T.Ư một cách chính thức và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về QBTĐB được ban hành thì kinh phí BTĐB được phân bổ về cho các địa phương sẽ được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn? 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vẫn chờ giải thể…

Vào tháng 9/2018, sau khi xét đề nghị của các bộ: Giao thông Vận tải (GTVT), Tư pháp, Tài chính, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý QBTĐB T.Ư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hội đồng này vẫn đang hoạt động bình thường, vì chưa có quyết định giải thể một cách chính thức từ phía Chính phủ. 

Theo Bộ GTVT, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ  vẫn đang tiến hành các bước trình tự thủ tục có liên quan. Đặc biệt, Bộ đã đăng ký bổ sung chương trình công tác của Chính phủ, trong đó đề nghị xây dựng Nghị định (NĐ) sửa đổi, bổ sung NĐ số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về QBTĐB. Sau khi thành lập Ban soạn thảo NĐ sửa đổi, bổ sung, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã hoàn thành dự thảo NĐ, báo cáo Bộ GTVT thẩm định, trình Chính phủ trong thời gian tới. 

Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ số 18 và Thủ tướng Chính phủ có quyết định giải thể Hội đồng quản lý (HĐQL) một cách chính thức, QBTĐB T.Ư vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các QBTĐB - Sở GTVT địa phương thực hiện các công việc tham mưu về chỉ đạo điều hành của QBTĐB theo đúng quy định cho đến khi có quy định mới. “Trong thời gian này, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để giao Sở GTVT, Văn phòng Quỹ địa phương xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp lại Văn phòng Quỹ, điều động sắp xếp cán bộ, đảm bảo đúng quy định và chế độ đối với cán bộ, công chức, người lao động” - QBTĐB T.Ư nhấn mạnh. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi thành lập đến nay, điều hành quản lý QBTĐB gồm có HĐQL Quỹ và tham mưu cho HĐQL Quỹ là Văn phòng Quỹ. Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Phí, lệ phí và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn thu của QBTĐB từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào NSNN.  

Qua hơn 2 năm hoạt động theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT và QBTĐB T.Ư thừa nhận vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ có nhiều tồn tại vướng mắc, không đảm bảo chất lượng, hiệu quả và không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan nên mới đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giải thể sau 5 năm hoạt động.  

Sẽ có nhiều thay đổi

Hiện, toàn bộ nhu cầu chi cho QBTĐB đều do NSNN cấp và việc phân chia phần 35% phí thu được do Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương. Đáng chú ý, vào tháng 7/2018, khi tiến hành rà soát, đánh giá các tiêu chí phân bổ nguồn 35% phí sử dụng đường bộ, Bộ GTVT đã lấy ý kiến từ Bộ Tài chính và 63 tỉnh, thành. Thông tin tổng hợp sau đó cho thấy, ngoài Bộ Tài chính, còn có 52 địa phương thống nhất hoàn toàn với phương pháp phân bổ kinh phí mà Bộ GTVT đưa ra.

Tuy thống nhất về cách tính, nhưng 11 địa phương còn lại kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung cách tính có đặc thù miền núi, cửa biển, đường biên giới, có tỉnh đề xuất ưu tiên bổ sung nguồn. Một số địa phương còn đề nghị cộng khối lượng chiều dài đường địa phương quản lý bổ sung thêm khối lượng đường xã... Nhưng theo Bộ GTVT, các kiến nghị này đang nằm ngoài hành lang pháp lý hiện hành nên chưa có cơ sở để thay đổi cách tính. 

Phương pháp, cách tính thay đổi sẽ kéo theo việc quản lý, phân bổ nguồn kinh phí BTĐB cho các địa phương cũng sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Trong một văn bản gửi tới các địa phương mới đây, QBTĐB T.Ư thông báo, từ năm 2019 các địa phương sẽ không còn được hưởng cơ chế hỗ trợ bổ sung.  Theo cơ quan này, trong năm 2018, QBTĐB T.Ư đã nhận và trả lời nhiều kiến nghị của một số địa phương về đề nghị hỗ trợ bổ sung nguồn vốn 35% phí sử dụng đường bộ (ngoài nguồn vốn đã được phân bổ chính thức cho các địa phương). 

“Kể từ năm 2019 QBTĐB sẽ được ngân sách T.Ư phân bổ hết cho các địa phương, không có cơ chế hỗ trợ bổ sung. Do đó, QBTĐB T.Ư đề nghị các địa phương chủ động cân đối nguồn ngân sách T.Ư phân bổ có mục tiêu cho bảo trì đường bộ địa phương. Đồng thời cân đối nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bố trí kinh phí đối với các công trình sửa chữa đường bộ địa phương trên địa bàn quản lý”, văn bản QBTĐB T.Ư gửi tới các địa phương cho biết. 

Theo tìm hiểu, tại Quyết định số  406 ngày 16/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương lần 1 (thuộc nguồn 35% phí sử dụng đường bộ) với tổng kinh phí gần 915 tỷ đồng. Đối với phần dự toán còn lại là 1.518 tỷ đồng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo đề nghị xem xét, phân bổ nguồn kinh phí trên cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.  

Theo QBTĐB T.Ư, từ nguồn đã và sẽ được phân bổ, đề nghị các địa phương chỉ đạo triển khai thi công và hoàn thành thủ tục nghiệm thu thanh toán các công trình sửa chữa đường bộ địa phương theo kế hoạch năm 2018 đã xây dựng, đồng thời giải ngân ngay khi dự toán ngân sách được giao về địa phương, phấn đấu hoàn thành đúng niên hạn tài chính quy định. 

“Đối với việc xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ địa phương năm 2019, QBTĐB T.Ư đề nghị các địa phương căn cứ trên số liệu phân chia năm 2018, triển khai xây dựng kế hoạch để khi ngân sách T.Ư phân chia có mục tiêu cho bảo trì năm 2019 thì có thể thực hiện ngay, đảm bảo tiến độ  sửa chữa đường bộ kịp thời, đáp ứng nhu cầu lưu thông cho nhân dân”, cơ quan đang chờ giải thể này yêu cầu. 

“Việc phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ chưa được hiệu quả”

Trả lời báo chí, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho biết: Phí duy tu, sửa chữa các tuyến đường tại Việt Nam đang rất cao, khoảng 3.000USD cho 1km đường bộ. Mức giá này cao bằng giá duy tu, sửa chữa 1km đường Châu Âu, mức giá trên cao gấp 3 lần Lào; cao gấp 1,5 lần Campuchia. Nhưng việc phân bổ vốn bảo trì đường bộ lại không đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo tính toán, mỗi ngày QBTĐT T.Ư thu được 30 tỷ đồng, Quỹ này giải ngân rất kém, có năm chỉ đạt 50-60%, trong khi đường giao thông sửa chậm thì mức độ hỏng càng nặng.

Đọc thêm