Hội nhập kinh tế quốc tế: Phải chung “sân” với đối thủ hơn đẳng cấp, thể lực

(PLO) - Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), thông thường, ưu đãi duy nhất Việt Nam được hưởng với tư cách nước đang phát triển chỉ một khoảng thời gian ân hạn 5 - 10 năm tuỳ theo mặt hàng. Sau thời gian đó, chúng ta sẽ cùng chơi trên một “sân chơi” chung với các đối thủ hơn về đẳng cấp, thể lực.
Cộng đồng DN Việt Nam cần chủ động và thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới
Cộng đồng DN Việt Nam cần chủ động và thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới

FDI chưa bắt rễ vào nền kinh tế

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO năm 2017, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ hơn với thế giới. Điều này là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình hội nhập đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như cách tiếp cận về hội nhập kinh tế ở một số nơi, có lúc còn phiến diện, ngắn hạn và cục bộ. Các DN Việt Nam với trên 90% các DN vừa và nhỏ, đã bộc lộ những điểm yếu về tư duy chiến lược, trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh khi phải thực thi các cam kết hội nhập ngày càng sâu rộng... 

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Đại học Fulbrigh tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, hội nhập là quan trọng, song phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Ông cho rằng, DN phải tận dụng thật hiệu quả các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc với tầm nhìn dài hạn; mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tiến sỹ Tự Anh đánh giá, ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là then chốt; phải làm sao mượn hội nhập quốc tế  để cải cách thể chế trong nước. Ông lấy ví dụ về rào cản khiến các DN Việt Nam chưa thể trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn Intel: Thứ nhất là vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai, sự hiểu biết và tương tác giữa Intel và các DN trong nước gần như không có. 

“Căn bệnh chung của DN Việt là yếu kém trong công nghiệp hỗ trợ. Hệ quả, FDI không bắt rễ vào nền kinh tế. DN chúng ta chủ yếu tập trung vào gia công nên giá trị gia tăng thấp; năng lực cạnh tranh hạn chế”, Tiến sỹ Tự Anh nhận xét.

DN phải chủ động

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tính đến nay xấp xỉ 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại nước ta. Điều này cho thấy mức độ hội nhập sâu sắc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới. 

Cũng theo Thứ trưởng Hải, nếu thiếu sự phối hợp và chuẩn bị từ các cơ quan quản lý và DN, không những cơ hội bị bỏ lỡ mà chúng ta còn phải chịu thua thiệt trên chính “sân nhà” khi mở cửa thị trường theo các cam kết. Theo vị Thứ trưởng, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, chúng ta chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn. Thông thường, ưu đãi duy nhất Việt Nam được hưởng với tư cách nước đang phát triển chỉ là một khoảng thời gian ân hạn 5 - 10 năm tuỳ theo mặt hàng. Đó là cơ hội duy nhất để Việt Nam tận dụng cải cách nâng cao năng lực. Sau thời gian đó chúng ta sẽ cùng chơi trên một sân chơi chung với các đối thủ hơn về đẳng cấp và thể lực.

Cũng trăn trở về điều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, nội luật hoá theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn… bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới.

Ông cũng cho rằng cần tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện hiệu quả các chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Các địa phương cần chú trọng việc lồng ghép việc thực thi các chương trình hành động vào các kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đối với cộng đồng DN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới; đối thoại với các cơ quan Chính phủ, nêu lên các thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. 

Vị Bộ trưởng cho rằng DN phải chấp nhận cạnh tranh và tìm cách vươn lên trong cạnh tranh, bao gồm cả việc liên kết giữa các DN trong nước và kết nối với bên ngoài. Trong quá trình này, các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ phải tăng cường năng lực quản trị DN, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường đổi mới công nghệ, chủ động ứng phó với các rủi ro.

Bổ sung, hoàn thiện luật pháp liên quan hội nhập kinh tế quốc tế

“Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, nội luật hoá theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn… bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới”.

Phương thức hội nhập rất quan trọng

“Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Đại học Fulbrigh tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, hội nhập là quan trọng, song phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Ông cho rằng, DN phải tận dụng thật hiệu quả các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc với tầm nhìn dài hạn; mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Đọc thêm