Hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải hành khách: Doanh nghiệp nêu bất cập

(PLVN) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng, Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang soạn thảo có một số quy định chưa tạo thuận lợi cho DN trong thực hiện thủ tục hành chính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tục hành chính còn rườm rà

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định: DN đã thực hiện kê khai giá cước với Sở GTVT đầu tuyến phải gửi cho Sở GTVT đầu tuyến còn lại 1 bản phô tô văn bản đã hoàn thành thủ tục kê khai giá cước của địa phương, nơi thực hiện kê khai giá có dấu công văn đến theo quy định. 

Tuy nhiên, gửi ý kiến đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số DN cho rằng, quy định này là chưa tạo thuận lợi cho DN trong thực hiện thủ tục hành chính. Bởi, việc yêu cầu gửi văn bản phô tô về văn bản kê khai giá cước tới Sở GTVT đầu tuyến còn lại suy đoán nhằm mục đích cơ quan quản lý nhà nước muốn nhận biết thông tin về việc chấp hành quy định của DN. Tuy nhiên, để có được thông tin này, giữa các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu DN phải gửi văn bản thông báo.

Theo đó, để giảm thiểu thủ tục hành chính, đơn vị đại diện cộng đồng DN đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi quy định theo hướng Sở GTVT nơi tiếp nhận văn bản kê khai giá gửi thông tin về việc DN đã kê khai giá tới các Sở GTVT ở trên tuyến.

Bên cạnh đó, một số DN còn cho rằng, thời điểm kê khai, kê khai lại giá cước quy định trong Dự thảo cũng chưa hợp lý. Bởi vì, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Dự thảo thì thời điểm DN được áp dụng mức giá cước kê khai giảm là “từ ngày thực hiện kê khai giảm”. 

Tuy nhiên, khoản 10 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP quy định “trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giá giảm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, tức là thời điểm áp dụng mức giá giảm là trước hoặc cùng thời điểm gửi văn bản kê khai giá. 

Do đó, cộng đồng DN cho rằng, quy định tại Dự thảo là chưa phù hợp về thời điểm DN được áp dụng mức giá giảm, vì “ngày thực hiện kê khai giảm” có thể hiểu là ngày hết thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước tiếp nhận văn bản kê khai nhưng không có yêu cầu giải trình hoặc hơn 21 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản kê khai nếu có yêu cầu giải trình, thậm chí là không biết ngày nào nếu DN phải giải trình nhiều lần.

Để thống nhất với Nghị định 149/2016/NĐ-CP, cộng đồng DN đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời điểm DN được áp dụng mức giá giảm theo hướng được áp dụng ngay và chỉ cần gửi thông báo về mức giảm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mâu thuẫn về thủ tục khi tăng, giảm giá cước

Khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định về việc DN thực hiện kê khai giá cước với Sở GTVT ít nhất 05 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá cước kê khai. Quy định này được hiểu áp dụng cho tất cả các trường hợp điều chỉnh giá cước (trên hoặc dưới 10% so với mức kê khai liền kề trước đó).

Còn khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định, nếu tăng hoặc giảm giá cước trên 10%  so với mức giá cước đã kê khai liền kề thì phải thực hiện kê khai lại giá cước, còn tăng hoặc giảm giá cước dưới 10% thì chỉ cần gửi thông báo về mức giá cước mới. Quy định này được hiểu, tùy theo tỷ lệ tăng hoặc giảm giá cước để xác định thủ tục DN phải thực hiện: Kê khai giá hay gửi thông báo về mức giá.

Về vấn đề này, trong văn bản gửi tới Bộ GTVT, VCCI cho rằng, quy định tại  khoản 1 và 2 nêu trên đã có sự chồng lấn, mâu thuẫn về thủ tục phải thực hiện khi tăng hoặc giảm giá cước dưới 10% (kê khai giá theo khoản 1 hay gửi thông báo theo khoản 2?). Theo đó, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 5 về các thủ tục mà DN phải thực hiện khi tăng hoặc giảm giá cước.

Về kê khai giá đối với vận tải bằng xe buýt, theo phản ánh của DN thì hiện nay đang có dịch vụ vận chuyển bằng xe buýt có trợ giá. Đối với dịch vụ này thì giá cước do UBND cấp tỉnh ấn định, DN không được tự định giá. Vì vậy, yêu cầu các đối tượng này phải kê khai giá là chưa phù hợp. Do đó, cộng đồng DN đề nghị bỏ đối tượng này ra khỏi đối tượng phải thực hiện thủ tục phải kê khai giá.

Đọc thêm