Hy Lạp: “Cú hích” gói cứu trợ khủng hoảng nợ công

(PLO) - Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về giải ngân gói cứu trợ thứ ba. 
Thỏa thuận giải ngân gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế là tín hiệu khả quan đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhất trong lịch sử nước này
Thỏa thuận giải ngân gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế là tín hiệu khả quan đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhất trong lịch sử nước này

Sau 7 năm thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" và cải cách, Hy Lạp hy vọng việc đạt được thỏa thuận sơ bộ giải ngân gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế sẽ là tín hiệu khả quan đưa Athens thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhất trong lịch sử nước này.

Hoàn thành 95 cam kết

Ngày 2/12, Hy Lạp thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với các chủ nợ quốc tế, theo đó Athens sẽ đáp ứng tất cả các cam kết để khai thông đợt giải ngân mới nhất trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này từ năm 2015.

Theo kế hoạch, Ankara sẽ hoàn thành 95 cam kết trong tháng 12 này, trong đó có lĩnh vực nhạy cảm như cải cách dịch vụ công và phúc lợi xã hội, cũng như các biện pháp nhằm tự do hóa thị trường năng lượng và thúc đẩy tư nhân hóa...

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos cho biết: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận ở cấp làm việc trong tất cả các vấn đề và chúng tôi hài lòng".

Về phần mình, trong thông báo riêng cùng ngày, nhóm các chủ nợ tại Athens khẳng định: "Các định chế tài chính châu Âu đã đạt được thỏa thuận ở cấp làm việc với giới chức Hy Lạp. Văn bản pháp lý này sẽ được trình lên Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) trong ngày 4/12". 

Thỏa thuận cuối cùng dự kiến được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurogroup ngày 22/1/2018, với điều kiện Quốc hội Hy Lạp thông qua các cải cách dịch vụ công và phúc lợi xã hội, các biện pháp nhằm tự do hóa thị trường năng lượng và thúc đẩy tư nhân hóa...

Tín hiệu khả quan

Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận được cam kết có 3 gói cứu trợ của “Bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng trị giá lên tới hơn 350 tỷ euro. 

Sau 2 gói cứu trợ đầu tiên, Athens vẫn không đáp ứng được thời hạn chót trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro với thời hạn giải ngân 3 năm đã được thông qua năm 2015 với điều kiện Hy Lạp phải thực hiện một kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” và cải cách hết sức nghiêm ngặt như đã cam kết. Tuy nhiên, gói cứu trợ thứ ba này chỉ có sự trợ giúp của các quốc gia thành viên EU mà không có IMF. 

Tính đến cuối tháng 9/2017, Hy Lạp đã nhận được hơn 221 tỷ euro từ các định chế tài chính châu Âu và 11,5 tỷ euro từ IMF. 

Lý do mà IMF ngừng tham gia chương trình cứu trợ cho Hy Lạp là bởi tổ chức tài chính này cho rằng khoản nợ của Athens quá lớn và IMF không thể tiếp tục giải ngân khoản vay nếu các chủ nợ không giảm nợ cho nước này. IMF đưa ra điều kiện yêu cầu các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. Điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone.

Ngày 2/5 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ gồm EU, ECB và IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho quốc gia này. Với thỏa thuận sơ bộ đạt được, Hy Lạp và các chủ nợ đã phá vỡ được thế bế tắc trong các cuộc đàm phán nợ của Athens.

Trước đó, dưới áp lực của các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ euro trong năm 2019 và 2020. Athens thừa nhận việc cắt giảm quỹ hưu trí và mức miễn thuế mới là nhằm đổi lấy sự chấp thuận sử dụng số tiền tương đương cho các biện pháp xóa đói giảm nghèo. 

Nhằm kịp thời điểm để Hy Lạp thanh toán khoản nợ gần 7 tỷ euro đáo hạn, đầu tháng 7, Eurozone đã thông qua gói cứu trợ 8,5 tỷ euro cho nước này. Trước đó vào tháng 6, Eurogroup đã đạt được thỏa thuận cho phép khởi động giai đoạn 3 của chương trình cứu trợ Hy Lạp với số tiền lên đến 86 tỷ euro, vốn bị đình trệ nhiều tháng qua do những bất đồng giữa các nước thành viên Eurozone với IMF. 

Ngày 12/8, Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết quốc gia châu Âu này đang bước vào một giai đoạn kinh tế ổn định, và mục tiêu chính của Athens tại thời điểm này là giành lại quyền tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu. Bộ Tài chính Hy Lạp ước tính, trong năm 2017, kinh tế Hy Lạp đạt tốc độ tăng trưởng 1,6%.

Sau khi thu được những kết quả kinh tế khả quan, ngày 25/9, Hy Lạp cũng chính thức được EU đưa ra khỏi danh sách các quốc gia báo động về thâm hụt ngân sách. Với sự nhất trí của chính phủ các nước thành viên, EU đã quyết định kết thúc các biện pháp được áp đặt từ 8 năm qua nhằm buộc Hy Lạp cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho rằng, quyết định đưa Hy Lạp ra khỏi danh sách các quốc gia báo động về thâm hụt ngân sách là sự thừa nhận cho những nỗ lực của Hy Lạp để khôi phục sự ổn định của hệ thống tài chính công. Trong khi đó, theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Estonia, Toomas Toniste, sau nhiều năm khó khăn và khủng hoảng, tình hình tài chính của Hy Lạp giờ đã được cải thiện tốt hơn. 

Đọc thêm