IFC nâng mức tài trợ cho 4 ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19

(PLVN) - Tổ chức IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho các ngân hàng đối tác tại Việt Nam. Đây là một sáng kiến ứng phó nhanh để đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải bởi dịch cúm virus Corona.
IFC góp phần giúp ngân hàng giải quyết khó khăn về vốn dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ.
IFC góp phần giúp ngân hàng giải quyết khó khăn về vốn dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ.

IFC nhận định, dịch Covid-19 không những làm sụt giảm ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, mà còn ảnh hưởng đến giao thương qua biên giới, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chế tạo, kinh doanh nông nghiệp và nhiều ngành khác của Việt Nam.

Để giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với tình hình này, IFC đã gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho bốn ngân hàng thương mại đang là khách hàng của IFC, bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tổng hạn mức mới 294 triệu USD sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực, đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Là một trong 4 ngân hàng được tài trợ, ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - hoan nghênh những sáng kiến kịp thời và có ý nghĩa từ IFC. Điều đó giúp cho VIB chủ động đối phó với những khó khăn về thanh khoản, cũng như xu hướng giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn khủng hoảng bởi dịch Covid-19.

Ông Mehmet Mumcuoglu - Giám đốc Khối Định chế Tài chính IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - chia sẻ: “Sáng kiến này hưởng ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại khi các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi dịch cúm vi-rút Corona, đặc biệt những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và thương mại. Với kinh nghiệm toàn cầu của IFC trong ứng phó một số cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ, hạn mức tài trợ thương mại tăng lên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài trợ thương mại, nhờ đó giảm nhẹ tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và khu vực tư nhân."

Đại diện của IFC cũng cho biết, bên cạnh việc triển khai nhanh chóng công cụ tài trợ thương mại linh hoạt này, thì IFC sẽ cân nhắc các can thiệp mở rộng khác để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động kinh tế từ COVID-19 và góp phần giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau Covid-19.

Đọc thêm