​Kéo dài miễn Thuế sử dụng đất nông nghiệp tới 2025: Sẽ miễn 7.500 tỷ đồng/năm

(PLVN) - Ngày 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Đảm bảo giảm thuế đúng đối tượng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống nông dân, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết, góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ kéo dài thêm 5 năm (từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2025). Đối với giai đoạn từ năm 2026 trở về sau, ông Đinh Tiến Dũng cho biết cần phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến ngày 31/12/2025, Bộ Tài chính ước tính, số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Cho ý kiến tại phiên họp, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế SDĐNN cũng phải xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch; phải chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng, nâng cao kết quả, hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí. “Nhiều năm qua chúng ta vẫn miễn, giảm thuế nhằm đẩy mạnh phát triển tam nông, do đó, việc giảm, miễn phải đến đúng đối tượng để chính sách đạt được hiệu quả trong mục tiêu đề ra”, ĐB nói. 

Cũng theo ĐB Phương, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, của hộ gia đình, của cá nhân, kể cả trường hợp đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên, đối với diện tích nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng đất sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất.

Còn ý kiến băn khoăn

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, việc miễn giảm thuế SDĐNN cũng có tác động tiêu cực cho một bộ phận nông dân thiếu tích cực trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích nông nghiệp được Nhà nước giao thiếu hiệu quả. “Có tình trạng đất bỏ hoang hóa chưa được thu hồi, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất”, ĐB cho hay.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại phiên họp
 Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại phiên họp

ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) tán thành với việc trong nghị quyết lần này cần có sự phân loại và quy định đối với một số đối tượng cho phù hợp chứ không chỉ kéo dài thời gian thực hiện. Dẫn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 55, theo đó quy định đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị kinh tế khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho các tổ chức, cá nhân khác nhận thầu hợp đồng hoặc sản xuất đất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi theo quy định của Luật Đất đai và trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế SDĐNN, ĐB cho rằng cần phải có sự cân nhắc vì trong thời gian vừa qua, thực tiễn cho thấy quy định này chưa được thực hiện một cách triệt để.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cho rằng việc tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp có tác dụng hỗ trợ cho người nông dân nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, ĐB cho biết ông băn khoăn về khả năng nếu kéo dài chính sách này sẽ làm mất đi chức năng của thuế SDĐNN. 

Dẫn đánh giá tác động cho biết, phần miễn thuế làm giảm chưa đến 10.000 tỉ đồng, không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng ĐB cũng cho rằng phần này không thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp cũng như hỗ trợ đời sống của người nông dân bởi với chưa đến 10.000 tỉ đồng chia đều cho khoảng 11.000 hộ nông dân, tức mỗi hộ nông dân được miễn giảm chưa đến 1 triệu đồng/năm nên không thể có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sản xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường
Đại biểu Hoàng Văn Cường 

ĐB cho rằng đây là sự bình quân hóa, chức năng phân phối lại nguồn đất của người sử dụng đất không được thực hiện, kéo theo việc không thực hiện được chức năng điều tiết hành vi sử dụng đất, vì hiện nay sử dụng đất không nộp thuế nên nhiều người không sử dụng cũng vẫn nhận đất, thúc đẩy thêm tình trạng bỏ hoang đất. ĐB Cường cho rằng chính sách miễn giảm thuế đã kéo dài hơn 20 năm, cho đến nay có lẽ không còn có hiệu quả nữa và kiến nghị cần nhanh chóng có chính sách mới để thu thuế đất nông nghiệp, tạo việc làm để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. 

Đọc thêm