Khánh Hòa: Nữ doanh nhân bị cáo buộc trốn thuế kêu oan

(PLO) - Theo một số chuyên gia, với các căn cứ trong vụ việc, việc cáo buộc và kết tội “Trốn thuế” đối với bà Hồng là chưa thỏa đáng.
Quyết định khởi tố và đơn kêu oan của doanh nghiệp Đức Đạt
Quyết định khởi tố và đơn kêu oan của doanh nghiệp Đức Đạt

Bị khởi tố tội trốn thuế

Có trụ sở tại 56, đường Hoàng Văn Thụ, phường Vạn Thắng, TP Nha Trang, Khánh Hòa, ngoài tạo công việc làm cho hàng trăm lao động và nộp ngân sách, Cty TNHH Thương mại Tổng hợp và Dịch vụ Đức Đạt (Cty) do bà Nguyễn Thị Hồng làm giám đốc được cho là còn quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, đời sống của một số trẻ mồ côi, người nghèo khó không nơi nương tựa cũng như đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo... 

Theo hồ sơ, qua thanh tra thuế đối với Cty Đức Đạt giai đoạn 2007 - 2012, Cục Thuế Khánh Hòa phát hiện và loại bỏ 15 hóa đơn mua hàng ký hiệu là AA/11P vào năm 2012 do Cty TNHH Thương mại dịch vụ Đằng Giang và Cty TNHH Thương mại Thái An Châu (Hải Phòng) phát hành.

Tại Kết luận 3212 ngày 26/7/2013, Thanh tra ghi nhận các vi phạm như: Kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2007 đến năm 2012 là 962.981.405 đồng; trong đó Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là 283.278.985 đồng; Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 679.702.447 đồng. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế làm giảm số tiền thuế GTGT phải nộp năm 2012 là 2.969.542.728 đồng. 

Cùng với một số nội dung khác, hồ sơ được chuyển sang công an để làm rõ. Sau đó, bà Hồng bị khởi tố, truy tố và TAND TP Nha Trang đưa ra xét xử sơ thẩm về tội Trốn thuế theo Điều 161 - Bộ luật Hình sự. Không đồng ý, bị cáo kháng cáo kêu oan và vụ án đang trong giai đoạn phúc thẩm.

Tuy nhiên theo Cty Đức Đạt, họ có đầy đủ căn cứ chứng minh việc mua, bán hàng hóa nêu trên là có thật. Việc mua hàng giữa Đức Đạt và 2 Cty trên là thực tế, tuân thủ quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, có hợp đồng mua bán hàng hóa, có hóa đơn GTGT xuất tại thời điểm phát sinh, có phiếu nhập xuất nội bộ, có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, bên mua, bên bán đều thực hiện báo cáo kê khai trong kỳ phát sinh; doanh nghiệp mua và bán đều có đăng ký kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

Có đủ căn cứ?

Nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Cty Đức Đạt cho rằng có hợp đồng cung cấp hàng hóa và các số liệu giao nhận tay ba thực tế cho các doanh nghiệp khác. Việc mua hàng của 2 Cty trên liên quan đến 15 hóa đơn đều có thông số giao nhận tay ba của tàu giao hàng và tàu nhận hàng, nên việc cho rằng mua bán giao dịch là không có thật, dẫn đến cáo buộc tội trốn thuế đối với bà Hồng liệu có xác đáng?.

Bà Hồng cho rằng, bà không trốn thuế bởi các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa đã không đưa ra được căn cứ pháp lý về tội sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và trốn thuế của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 51/NĐ-CP thì sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hoá đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hoá đơn do cơ quan thuế phát hành) để lập khi bán hàng hoá, dịch vụ, để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách. Với quy định này, hóa đơn do Cty Đằng Giang và Cty Thái An Châu liệu có thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp?

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 19 Thông tư 153/2010 thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm thông báo các hóa đơn không còn được sử dụng của các đơn vị kinh doanh không hợp lệ. Nhưng ở đây, thời điểm Cty Đức Đạt mua hàng liên quan đến 15 hóa đơn thì 2 Cty trên vẫn hoạt động và khai báo, nộp thuế bình thường, không có bất cứ cảnh báo nào về việc 2 Cty trên sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc dừng hoạt động.  

Theo một số chuyên gia, với các căn cứ trên đây việc cáo buộc và kết tội “Trốn thuế” đối với bà Hồng là chưa thỏa đáng. Chiểu theo khoản 2 Điều 6 Luật Thương mại; Khoản 1 Điều 404 Bộ luật Dân sự thì hóa đơn mua hàng giữa Cty Đức Đạt với 2 Cty trên là hợp pháp.

Doanh nghiệp khi mua hàng đã thanh toán đầy đủ tiền hàng và tiền thuế cho bên bán, giao dịch mua bán đã xong do đó Cty Đức Đạt không phải chịu trách nhiệm về những hoạt động bất hợp pháp (nếu có) của 2 Cty trên. Như vậy doanh nghiệp Đức Đạt là người bị hại chứ không phải là bị can bởi nếu phải nộp thuế trong trường hợp này là nộp 2 lần thuế hay trả thuế do người khác vi phạm. 

Đọc thêm