Khi doanh nghiệp “làm thay” chính quyền

(PLO) - Vụ tranh chấp đất đai giữa dân và doanh nghiệp ở Đắk Nông dẫn tới xung đột và nổ súng làm 3 người chết và nhiều người bị thương là một bài học rất đau xót cho việc doanh nghiệp tiến hành thu hồi đất mà không có sự hiện diện của chính quyền.
Hiện trường vụ nổ súng làm 3 người chết (Ảnh internet)
Hiện trường vụ nổ súng làm 3 người chết (Ảnh internet)

Dựng lại diễn biến của sự kiện này cho thấy, công ty lâm nghiệp được giao đất đã huy động người của mình đến rẫy điều của dân để san ủi “giải phóng mặt bằng” khi chưa đạt được một thỏa thuận nào từ phía người dân và ngay cả khi chính quyền tỉnh Đắk Nông đã có yêu cầu “giữ nguyên hiện trạng” đất đai khi ở đây đang là điểm nóng về tranh chấp đất. Thực sự, đây là một cuộc cưỡng chế do doanh nghiệp tiến hành, động thái này là hoàn toàn trái luật và bị người dân chống đối lại một cách quyết liệt.

Những kẻ gây ra án mạng không thể trốn tránh pháp luật và sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Song, cái chết của 3 người, trong đó có một thiếu niên người dân tộc mới 16 tuổi thì đó là một cái giá quá đắt cho cả xã hội và hệ lụy của nó không thể khắc phục ngay được. Một sự thật khác được phanh phui: Công ty này đã sử dụng lao động trẻ em và đẩy người lao động vào một tình thế nguy hiểm, không được pháp luật bảo vệ.

Trước nay, các vụ cưỡng chế thu hồi đất đều do chính quyền thực hiện theo chức năng của mình. Các cuộc cưỡng chế thường không được suôn sẻ và xảy ra xung đột, để lại những hình ảnh xấu và có những quyết định cưỡng chế bị người dân kiện ra tòa án.

Vì thế, có trường hợp, chính quyền tổ chức cưỡng chế với đủ ban bệ và huy động nhiều lực lượng tham gia nhưng không ra quyết định mà “ngụy trang” dưới danh nghĩa “hỗ trợ thi công”. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đã “mượn tay” chính quyền để thực hiện ý đồ của mình, đó cũng là một động thái không đẹp và ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền địa phương, vốn phải xử sự một cách “quang minh chính đại”.

Một lần nữa, phương châm “Dễ vạn lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” cần được nhắc lại và quán triệt. Đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng được tiến hành một cách công khai, minh bạch và công bằng sẽ không bao giờ xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên đây, không những người dân phải lâm vòng lao lý mà cả cán bộ cũng thân bại danh liệt (như trường hợp nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh bị truy tố chẳng hạn).

Những phản ứng manh động, tiêu cực của một số người trong nhân dân là hành vi vi phạm pháp luật, đáng phê phán và phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi mà họ gây ra. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền trong việc để những chuyện đó xảy ra là không hề nhỏ. Thêm nữa, vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội tại các cộng đồng dân cư trong những việc như thế này là hết sức mờ nhạt, họ đang ở đâu và làm gì khi chính quyền thì ở xa, doanh nghiệp thì tự tung, tự tác?

Đọc thêm