Khi hạt gạo “khuynh đảo” chính trường Thái Lan

(PLVN) - Dự luật gạo bị hoãn cho thấy ảnh hưởng chính trị của giới nông dân trồng lúa ở Thái Lan, đến mức chính phủ quân sự hùng mạnh cũng phải lấy lòng.
Việc dự luật gạo bị hoãn vô điều kiện sau khi vấp phải sự phản đối cho thấy nông dân trồng lúa có ảnh hưởng nhất định
Việc dự luật gạo bị hoãn vô điều kiện sau khi vấp phải sự phản đối cho thấy nông dân trồng lúa có ảnh hưởng nhất định

Tâm điểm của chính trị Thái Lan

Hạt gạo một lần nữa trở thành tâm điểm của chính trị Thái Lan sau khi một dự thảo luật gây tranh cãi đã bị hoãn vô thời hạn do sự phản đối của nông dân, một trong những khối cử tri có ảnh hưởng nhất ở Thái Lan.

Dự thảo luật gạo đề xuất thành lập một hội đồng do chính phủ kiểm soát để giám sát ngành gạo, và trao cho nhà nước quyền kiểm soát các hạt lúa giống được phép bán.

Dự luật được thông qua vòng đầu tại Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA) vào tháng 1/2019 nhưng đã bị hoãn vào đầu tháng 2/2019 do sự phản đối ngày càng gia tăng từ nông dân trồng lúa, những người cho rằng dự luật có lợi cho các nhà sản xuất lớn vì sẽ cấm phân phối các loại lúa giống không được hội đồng kiểm soát chấp thuận. Dự luật này sẽ được xem xét lại sau cuộc bầu cử ngày 24/3.

Họ đã toan tính nhầm về thời điểm cũng như hậu quả chính trị”, Thanapan Laiprakobsup, nhà nghiên cứu về chính sách gạo ở Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói.

“Chính quyền quân sự không nghĩ sẽ có phản đối mạnh như vậy... Nhưng lần này tất cả những bên liên quan (trừ các tập đoàn) đều cùng nhau phản đối. Ngành sản xuất gạo cần trợ giúp nhưng không cần can thiệp trực tiếp”, ông Thanapan nói, và cho biết nông dân, người xay xát gạo và các nhà xuất khẩu đã đoàn kết một cách hiếm hoi trong việc phản đối dự luật.

Kỳ bầu cử ngày 24/3 là kỳ bầu cử đầu tiên kể từ năm 2011, và Thái Lan sẽ lại có một chính quyền do dân bầu. Chính quyền quân sự đã lên nắm quyền tại Thái Lan năm 2014 sau cuộc đảo chính lật đổ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Tuy nhiên, chính quyền quân sự có thể vẫn sẽ có ảnh hưởng sau cuộc bầu cử. Đảng Phalang Pracharat đã đề cử Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, vị tướng nghỉ hưu đã lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014, tiếp tục tranh cử để giữ chức thủ tướng. Sự phản đối của người dân Thái Lan đối với dự thảo luật gạo có thể ảnh hưởng đến khả năng thắng cử của ông Prayuth, ông Thanapan nói.

Đảng Phalang Pracharat đã phản đối dự luật và đề xuất một khoản trợ giá nếu thắng cử, nhưng ông Prayuth là gương mặt của đảng này và ông đã ủng hộ dự luật không được lòng dư luận này. Vì vậy, cử tri nông thôn vẫn có thể khiến đảng này phải “trả giá”. “Nông dân trồng lúa cho rằng đảng Phalang Prachachat và ông Prayuth là một... và họ sẽ thể hiện sự bất bình với ông ta”, Thanapan nói.

Mặt khác, việc hoãn dự luật cũng có thể có lợi cho đảng Pheu Thai thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đắc cử năm 2001 trước khi bị lật đổ năm 2006. Em gái của ông Thaksin, Yingluck Shinawatra, sau này đã trở thành thủ tướng từ năm 2011, nhưng cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014.

Ảnh hưởng của giới nông dân

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, và là nhà xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lớn thứ 2. Tuy vậy, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan đã dự báo một sự sụt giảm 14% trong năm 2019 so với 2018.  

Thái Lan đã can thiệp vào thị trường gạo từ lâu. Điển hình, chính sách trợ giá gạo là một yếu tố quan trọng trong cuộc đảo chính lật đổ Yingluck vào năm 2014. Trước đó, chính phủ cam kết mua lại mọi hạt gạo với giá bị đẩy lên cao. Kế hoạch đó đã khiến chính phủ thiệt hại 8 tỷ USD, và khiến Thái Lan mất vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo.  

“Nông dân trồng lúa và gia đình họ là một trong những khối cử tri lớn nhất có thể được tác động bằng chỉ một chính sách”, Jacob Ricks, phó giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Quản trị Singapore, nói. “Nông dân và gia đình họ vẫn chiếm hơn 30% cử tri Thái Lan, vì vậy họ vẫn quan trọng”.

Vì vậy, chính quyền quân sự đã đưa ra các khoản vay ngắn hạn và trợ cấp bằng tiền mặt cho nông dân trồng lúa. “Chính quyền quân sự cũng đã cố gắng lấy lòng nông dân với một loạt các chính sách, tuy nhiên họ mới chỉ thành công giới hạn”, ông Ricks nói.

Witoon Lianchamroon là giám đốc BioThai, một tổ chức vận động cho quyền của nông dân. Ông nói chính quyền quân sự đã tìm cách tăng cường kiểm soát giống lúa gạo được trồng và buôn bán.

Nếu dự luật được thông qua, “chúng tôi dự đoán sẽ chỉ còn vài giống gạo trên thị trường trong tương lai không xa, và sẽ do chính phủ và tư nhân kiểm soát”, ông nói.

Witoon nói dự luật được soạn thảo với mục đích thúc đẩy thương mại bất chấp lợi ích của nông dân muốn bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện giống lúa. “Một số giống lúa nhiều dinh dưỡng sẽ bị mất”, ông cho biết, và nói thêm dự luật sẽ không khuyến khích nông dân trồng và cải tiến một số giống lúa, vì việc đăng ký chúng sẽ “rất khó đối với nông dân”. Theo ông Thanapan, nông dân lo ngại sự kiểm soát chặt hơn của nhà nước sẽ mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn và gây thiệt hại cho họ.  

Mặt khác, việc dự luật bị hoãn lại một lần nữa cho thấy ảnh hưởng chính trị trong tay giới nông dân trồng lúa ở Thái Lan, ngay cả dưới thời chính phủ quân sự. “Dự luật gạo đã không mang lại đủ lợi ích để thuyết phục được nông dân”, ông Ricks nói.

“Ngay cả những người ủng hộ chính quyền hiện tại cũng cảm thấy khó mà nuốt trôi được dự luật này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nông dân với tư cách một khối cử tri. Thậm chí chính quyền quân sự cũng không thể thông qua dự luật gạo mới khi nỗi lo nông dân biểu tình luôn cận kề”.

Đọc thêm