Khó thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

(PLO) - Việc thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, không phải vì các vụ án này có giá trị phải thi hành lớn mà điều quan trọng là việc thu hồi tài sản cho Nhà nước được thực hiện ra sao. Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan song thi hành loại án này vẫn vô cùng nan giải.
Đại án tham nhũng ở Vinashin, Vinalines gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản thi hành án
Đại án tham nhũng ở Vinashin, Vinalines gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản thi hành án

Nhiều chuyển biến tích cực

Thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cũng chỉ đạo quyết liệt, sát sao. Bản thân các cơ quan THADS địa phương là nơi trực tiếp thi hành các bản án này cũng rất tích cực đôn đốc, xác minh, áp dụng các biện pháp thi hành án phù hợp để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.

Nhiều vụ án lớn đã được tập trung cao độ về nhân lực, vật lực để thi hành. Nhiều mô hình mới trong THADS như lập các tổ công tác đặc biệt thi hành các vụ án lớn đã được thành lập để chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời các cơ quan THADS.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp mà kết quả thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2017, kết quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân: đã thi hành xong 52.751việc, thu được số tiền là 1.372 tỷ 380 triệu 543 nghìn đồng. Kết quả thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, trong số 542.265 việc và 18.067 tỷ 009 triệu 671 nghìn đồng phải thu cho ngân sách, đã giải quyết được 372.836 việc, tương ứng với số tiền 1.956 tỷ 575 triệu 753 nghìn đồng

Tiền phải thi hành lớn, tài sản bảo đảm thi hành án nhỏ

Tuy nhiên, khó khăn được nhiều địa phương phản ánh là nhiều vụ việc số tiền phải thi hành án lớn, nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Đơn cử vụ Vinalines do Cục THADS TP Hà Nội tổ chức thi hành. Theo án tuyên,  Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Đến nay đã thi hành được trên 21 tỷ đồng.

Khoản còn lại phải thi hành trên 88 tỷ 500 triệu đồng, nhưng tiến hành xác minh Dương Chí Dũng không còn tài sản gì để thi hành án. Cũng trong vụ việc này, Cục THADS TP Hà Nội đã ủy thác cho Chi cục THADS quận Thanh Xuân theo thẩm quyền khoản phải thi hành của Mai Văn Khang phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 12.000.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án.

Tuy nhiên, đến nay mới thi hành được: 375.000.000 đồng, thu từ việc kê biên, xử lý tài sản chung vợ chồng của Mai Văn Khang. Khoản còn phải thi hành trên 11 tỷ 600 triệu đồng. Tuy nhiên, Mai Văn Khang đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nam Hà. Chi cục THADS đã xác minh điều kiện thi hành án, xác minh tại trại giam, Mai Văn Khang không còn tài sản để thi hành án.

Hay vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Theo quyết định thi hành án Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH một thành viên Vận  tải Viễn Dương Vinashin số tiền 989.201.327.298 đồng và tiền lãi chậm thi hành án; chia theo kỷ phần Phạm Thanh Bình phải bồi thường 494.058.382.338 đồng, Trần Văn Liêm phải bồi thường 495.142.944.960 đồng, và tiền lãi chậm thi hành án. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Qua xác minh điều kiện thi hành án theo quy định, kết quả xác định ông Phạm Thanh Bình và ông Trần Văn Liêm đang chấp hành án phạt tù dài hạn, không có tài sản để thi hành án

Cục THADS TP Hà Nội nhìn nhận kết quả thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác trong các vụ án dân sự trong hình sự, vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế, tiến độ giải quyết còn chậm, án tồn nhiều, chưa đáp ứng được kế hoạch công tác. Khó khăn nhất là việc xác minh tài sản, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản xác minh, xử lý được để thi hành án có giá trị nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án

Cũng theo Cục THADS TP Hà Nội, trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, người phạm tội đã chủ đích không đứng tên chủ sở hữu tài sản, không kê khai tài sản, tẩu tán hoặc che giấu tài sản tinh vi nên khó xác minh tài sản, việc xác minh tài sản, nguồn gốc tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Còn theo phản ánh của Cục THADS TP Hồ Chí Minh, việc thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng khó khăn là do: tính chất các vụ án rất phức tạp; đối tượng phải thi hành án trong những vụ việc này đang phải chấp hành hình phạt tù, không có tài sản; tài sản của các đối tượng đang được tạm giữ bởi cơ quan điều tra; pháp luật THADS và phá sản có nhiều mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng.

Chặn tình trạng tẩu tán tài sản

Những khó khăn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là những khó khăn chung của nhiều địa phương trong việc thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế. Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu minh bạch, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt, do đó khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân và cũng gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền.

Quyết liệt hơn với các vụ án tham nhũng, tích cực trong đôn đốc, xác minh, truy tìm tài sản, phát huy những sáng kiến mới, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của chấp hành viên… là những việc cần tiếp tục thực hiện để sớm thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác THADS nói chung. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của người phạm tội, tránh trường hợp người phạm tội tẩu tán tài sản. 

Đọc thêm