“Khoảng tối” trước cổ phần hóa

(PLO) - Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thanh tra trước khi cổ phần hóa đã phát lộ hàng loạt sai phạm từ những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước .
Đã phát hiện quá nhiều khuyết điểm, vi phạm tại các DNNN.
Đã phát hiện quá nhiều khuyết điểm, vi phạm tại các DNNN.
Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm đối với các DNNN. Trong đó phát hiện vi phạm 39.920 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 4.980 tỷ đồng, kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trên 43.940 tỷ đồng. 
Những vi phạm của các DNNN chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực về thẩm quyền, về đối tượng, hạch toán không đúng cũng như trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu.
Những doanh nghiệp được nêu tên như PVN đầu tư ra ngoài ngành 16.647 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà đầu tư ngoài ngành 7.572 tỷ. VNPT đầu tư vốn góp vào 86 DN với tổng giá trị 3.273 tỷ, trong đó có 20 DN đầu tư 723 tỷ không thu được lợi nhuận. 
Đặc biệt, VNPT còn giao vốn điều lệ cho VN Post chưa đúng thời gian quy định là 796 tỷ đồng, chậm nộp quỹ VTCI 73 tỷ đồng và trích vượt quỹ khen thưởng phúc lợi, thiếu quỹ đầu tư phát triển năm 2007, 2009 là 1.100 tỷ đồng.
EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 121.790 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán 1.997 tỷ đồng, chưa mang lại hiệu quả kinh tế.  
Vinachem được xác định hầu hết các dự án đầu tư đều chậm tiến độ, có những dự án chậm từ 1 đến 2 năm. Vinalines đã đầu tư 14 dự án xây dựng cảng nhưng mới có 5 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. EVN triển khai 20/40 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư. 
PVN đã chỉ định thầu cho đơn vị thành viên dự án 2.000 tỷ đồng là dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 không đúng quy định của Thủ tướng về chỉ định thầu, Sông Đà thì chuyển nhượng dự án Nam An Khánh trái quy định để thu về 155 tỷ đồng. 
Nhiều đơn vị năng lực quản lý dự án hạn chế, khả năng quản lý yếu nhưng vẫn được quản lý nhiều dự án như Cty Bất động sản Viettel mới được thành lập, mô hình và tổ chức biên chế có nhiều thay đổi nhưng được giao thay mặt chủ đầu tư trực tiếp quản lý nhiều dự án xây dựng với số lượng dự án lớn…
“Góp mặt” trong những bê bối này, Lilama cũng được xác định là thanh toán vượt hợp đồng đã ký 501 tỷ đồng chi phí nhiên liệu chạy thử, hiệu chỉnh vượt giá quy định trong hợp đồng tổng thầu; EVN thanh toán trả Lilama 167 tỷ đồng chi phí nhiên liệu phục vụ phát điện không đúng quy định.
Theo Thanh tra Chính phú, mặc dù Chính phủ đã có quy định cụ thể nội dung quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước thông qua giám sát công ty mẹ nhưng sai phạm vẫn xảy ra. 
Bởi, mặc dù đã có quy định như trên nhưng Bộ tiêu chí để đánh giá chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến công ty mẹ không thực hiện đầy đủ quyền quản lý, kiểm tra, giám sát với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư ở các công ty con, công ty thành viên. 
Từ đó, một số tập đoàn, tổng công ty đã có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để các công ty con, công ty thành viên đem vốn nhà nước đi đầu tư ra ngoài ngành, đầu tư vào những lĩnh vực, dự án có nhiều rủi ro như tài chính ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… dẫn đến hậu quả thua lỗ, mất vốn nhà nước. 
Giao quyền quá lớn
Hội đồng thành viên được giao một số quyền quyết định về kinh doanh đầu tư lớn, vượt quá chức năng của một tổ chức được ủy quyền và phân cấp thực hiện nhiệm vụ đại diện quyền sở hữu của Nhà nước. Việc giao quyền quá lớn cho Hội đồng thành viên mà không gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm, cộng với tư duy nhiệm kỳ và với sự hạn chế, bất cập về cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý dẫn đến một số tập đoàn đầu tư với số vốn quá lớn mà hiệu quả thấp, gây lãng phí vốn đầu tư.

Đọc thêm