Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm: Càng chậm càng dễ "quỵt"

(PLO) - 1 năm sau khi thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 chỉ duy nhất mới có một cuộc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng đứng ra thực hiện, trong khi tính đến hết tháng 10, các doanh nghiệp đã nợ đến hơn 14.200 tỷ đồng các loại bảo hiểm và quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động đang bị ảnh hưởng.
Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm:  Càng chậm càng dễ "quỵt"

Hàng nghìn tỷ đồng bảo hiểm bị “quỵt”?

Luật BHXH 2014 quy định tổ chức công đoàn sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lựa chọn 15 tỉnh, TP thí điểm thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH và đã ban hành hướng dẫn công đoàn tiến hành khởi kiện vi phạm về Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động; phối hợp với tòa án trong thụ lý các vụ án khởi kiện; phối hợp với BHXH ký kết chương trình liên tịch trong việc khởi kiện các vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo số liệu của cơ quan BHXH Việt Nam, trong 10 tháng, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của BHXH các tỉnh, TP là 14.237 tỷ đồng (chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước), chưa kể số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn, nợ của hai Tập đoàn Vinashin và Vinalines.

Chỉ tính riêng tổng số nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng (chiếm hơn 67%), trong đó số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm tới 72% số tiền nợ. Đến 15/11, kế hoạch thu hồi nợ bảo hiểm mới đạt 78%. Riêng TP HCM có hơn 60.000 doanh nghiệp nhưng có đến 35.000 doanh nghiệp đang nợ đọng BHXH và bảo hiểm y tế.

Song thực tế, quy định này chưa được thực hiện, ngoại trừ ở TP Đà Nẵng vì các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm về việc không có đơn ủy quyền của người lao động, chưa rõ quy trình khởi kiện, thiếu kinh phí khởi kiện, nhân lực, thuê luật sư... 

Bên cạnh đó, như ở Đồng Nai, sau khi tiếp nhận hồ sơ số doanh nghiệp nợ BHXH, do đấy là tranh chấp về quyền lợi nên đơn vị chưa khởi kiện thẳng ra tòa mà tìm các phương án hòa giải, báo cáo UBND trước rồi mới hoàn thiện hồ sơ gửi ra toà án chứ chưa khởi kiện ngay được.

Một trong những nguyên nhân khó thu nợ hoặc khởi kiện doanh nghiệp được đại diện các LĐLĐ địa phương đưa ra là do chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Không những thế, danh sách các doanh nghiệp nợ do cơ quan BHXH gửi sang thì chủ yếu là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc “chết lâm sàng”, chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Mà với những doanh nghiệp này, việc khởi kiện để đòi được khoản nợ bảo hiểm thì gần như bất khả thi vì “đầu trọc thì sao nắm được tóc?”.

Lấy số liệu từ năm 2010 – 2013 cho thấy, với gần 4.000 vụ khởi kiện về nợ bảo hiểm nhưng tổng số tiền thu được chỉ là 736 tỉ đồng, trên tổng số 1.788 tỉ đồng tiền nợ, một phần là do doanh nghiệp không có điều kiện thi hành án.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chỉ rõ, nguyên nhân nợ các loại bảo hiểm ngoài điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động còn có nguyên nhân chủ yếu từ cơ quan BHXH các cấp chưa quyết liệt trong công tác thu hồi nợ, chỉ đạo việc đôn đốc thu nợ; chưa chủ động báo cáo và đề xuất với UBND các cấp chỉ đạo, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm; chưa phối hợp với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đôn đốc chuyển tiền đóng BHYT cho một số đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng. Nhất là cơ quan BHXH địa phương cũng chưa chủ động phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng; chậm triển khai công tác thanh tra, xử phạt các đơn vị nợ đọng kéo dài…

Theo nhận định của Tổng LĐLĐ và BHXH Việt Nam, việc chậm khởi kiện khiến cho tình trạng nợ, chậm đóng BHXH đang gia tăng (từ 7.000 tỷ đồng lên hơn 14.000 tỷ đồng như hiện nay) đồng nghĩa với việc người lao động bị xâm phạm quyền lợi và tổ chức công đoàn không làm tròn nghĩa vụ của một tổ chức đại diện cho người lao động. Không những thế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng cảnh báo, nếu không có biện pháp quyết liệt buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Muốn hết nợ thì phải khởi kiện!

Đó là quan điểm được Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam khẳng định như một trong những giải pháp để đạt được kế hoạch thu bảo hiểm thì phải giảm số nợ BHXH thời gian dài. Do vậy, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, kể cả các địa phương chưa thí điểm “mạnh dạn chuyển hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp lên TAND cấp tỉnh, huyện. Trường hợp tòa án không thụ lý thì yêu cầu có văn bản giải thích nguyên nhân. Nếu vướng ở đâu thì các địa phương báo lên Tổng LĐLĐ Việt Nam để có đơn kiến nghị lên TANDTC xây dựng hướng dẫn khởi kiện đúng trình tự pháp luật”.

Thậm chí đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam còn “đặt chỉ tiêu” cho các địa phương. Theo đó, “từ nay đến cuối năm, mỗi tỉnh, TP phải khởi kiện 10-15 doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT ra tòa, đồng thời công khai danh tính các doanh nghiệp này trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, 15 tỉnh được lựa chọn thí điểm phải xúc tiến ngay việc khởi kiện” – ông Mai Đức Chính cương quyết nói.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thực hiện việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng BHXH theo Luật BHXH năm 2014. Ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ TP Đà Nẵng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục khởi kiện 10 doanh nghiệp. Đầu tháng 12, LĐLĐ TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu gửi hồ sơ sang toà án để thụ lý vụ án.

Tính đến 13/11, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (trong đó nhiều nhất là của BHXH tỉnh Điện Biên 51 hồ sơ, Nam Định 9 hồ sơ), tổ chức công đoàn đã tiếp nhận 71 hồ sơ.

Trước đó, ngày 17/3/2015, TAND TP HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi tiền BHXH giữa nguyên đơn là BHXH TP HCM và bị đơn là Công ty cổ phần A74 (trụ sở tại khu phố 1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM). Sau khi nghị án, tòa nhận định kháng cáo của bị đơn, buộc Công ty A74 phải trả toàn bộ số tiền 828,6 triệu đồng cho BHXH TP HCM ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Cùng với đó, các LĐLĐ địa phương không nên “trông chờ” vào việc ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở mới khởi kiện vì nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng lương của doanh nghiệp. Nên từ nay đến hết tháng 12, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH sẽ do LĐLĐ các địa phương thực hiện, sau đó chuyển giao cho các cấp công đoàn quận, huyện nào đủ năng lực.

Hơn nữa, ông Mai Đức Chính sốt ruột bày tỏ: “Chúng ta không thể không làm một động thái gì, chúng ta cứ nói ký Quy chế phối hợp (Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; chỉ đạo các đơn vị trong ngành ký kết quy chế và triển khai công tác khởi kiện giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam), nhưng đến nay kết quả là gì thì chúng ta chưa có.

Điều đó cho thấy việc thực hiện, chấp hành pháp luật chưa nghiêm”. Vì thúc đẩy thực hiện quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm cũng để thể hiện cho xã hội về trách nhiệm của tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực bảo hiểm. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng lưu ý các LĐLĐ địa phương tập trung khởi kiện những doanh nghiệp có điều kiện để thu hồi được nợ, ưu tiên lựa chọn khởi kiện những doanh nghiệp nợ BHXH trên 3 tháng. Để tránh việc khởi kiện những doanh nghiệp “chết lâm sàng”, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thống nhất BHXH trước mắt không chọn những doanh nghiệp “trọc đầu” để đưa vào danh sách doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm gửi sang LĐLĐ các tỉnh, TP, tránh việc khởi kiện nhưng doanh nghiệp không có điều kiện thi hành án khiến khoản nợ BHXH cứ “treo” và quyền lợi của người lao động thì vẫn không được giải quyết.

Cùng với đó, “BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đi giám sát, đồng thời kiểm tra và tháo gỡ những khó khăn của địa phương khi tổ chức khởi kiện những doanh nghiệp nợ đóng mà vi phạm theo quy định của pháp luật. Chúng ta vừa tuyên truyền nhưng vừa giáo dục, vừa thuyết phục nhưng cũng phải dùng các biện pháp theo quy định của pháp luật. Nếu các đơn vị mà cố tình vi phạm, xử phạt không xong thì phải xử lý đến trách nhiệm hình sự những đơn vị này thì mới có tính răn đe, mới tốt lên được” - ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh và đề nghị BHXH các tỉnh đề xuất với UBND các cấp… cương quyết xử lý các doanh nghiệp chây ỳ trong nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm theo pháp luật. 

Qua giám sát liên ngành (gồm Thanh tra Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam) mới đây về việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương đã yêu cầu LĐLĐ 3 địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH khởi kiện ngay những doanh nghiệp có số nợ lớn, dài ngày. 

VCCI kiến nghị không xử lý hình sự việc nợ BHXH

Về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216), VCCI cho rằng căn cứ để xử lý là hành vi “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên”. Việc xác định hành vi này có nguy cơ nhầm lẫn giữa “trốn” và “nợ” nghĩa vụ tài chính.

Trong trường hợp doanh nghiệp ghi sổ sách và khai báo nghĩa vụ nộp bảo hiểm của mình một cách đầy đủ, chính xác, trung thực nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chậm nộp tiền bảo hiểm quá hạn 06 tháng thì vẫn có thể bị xử lý hình sự. Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm vẫn có thể tiến hành đòi nợ doanh nghiệp như một khoản nợ bình thường khác thông qua các biện pháp bao gồm cả Tòa án dân sự. 

“Đây có lẽ là khoản nợ duy nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam có áp dụng chế tài hình sự nếu quá hạn trả nợ”, VCCI nhận định. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ xử lý hình sự đối với hành vi doanh nghiệp gian dối khi khai báo nghĩa vụ nộp bảo hiểm, còn việc nợ tiền bảo hiểm thì không xử lý hình sự.

Đọc thêm