Khởi nghiệp: CiOne - Mô hình lạ của phương pháp học trực tuyến

(PLO) - Giáo dục trực tuyến (E-learning) chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam do nhiều quan điểm chưa đúng về quá trình đào tạo. Nhưng Phó Hải Đăng (33 tuổi, người sáng lập CiOne) đã quyết tâm từ bỏ một công việc hấp dẫn với mức lương cao để khởi nghiệp với lĩnh vực… khó nhằn này. 
Phó Hải Đăng (bên trái) và Cù Trọng Sang, đồng sáng lập CiOne
Phó Hải Đăng (bên trái) và Cù Trọng Sang, đồng sáng lập CiOne

Hướng dẫn học trực tiếp qua... online 

Khi quyết tâm khởi nghiệp với CiOne, Đăng chỉ có một niềm tin rằng, việc dùng website để phát triển thương hiệu, tiếp thị hàng hóa đang là xu hướng nên kiến thức và kỹ năng về web sẽ trở nên phổ cập cho những ai muốn tiếp cận với công nghệ số. Trong khi đó Việt Nam lại đang là nước tiềm năng nhất về outsoucing (thuê gia công) trong công nghệ số cho thế giới. 

Đăng cho biết, từ khi còn là sinh viên, Đăng đã mong có 1 website đào tạo toàn diện, bài bản và có sự hỗ trợ từ người có kinh nghiệm về ngành IT. Bởi vì các kiến thức trong nhà trường quá rộng, cách học thì theo tín chỉ nên lên lớp các thầy chủ yếu giới thiệu các tài liệu, sách tham khảo, thời gian tự học là chính. Tuy nhiên, không phải sách nào cũng phù hợp để mình tìm hiểu, đọc sách mà không có ai dẫn dắt cũng rất khó đi tới cùng. 

Từ những khó khăn của chính bản thân, Đăng đã cùng một số bạn bàn bạc và mơ ước về một website đào tạo một cách bài bản, không quá hàn lâm mà đi vào thực tế, học và làm ngay. Đặc biệt là phải có người sẵn sàng hỗ trợ mình trực tiếp khi gặp lỗi. Đó chính là khởi nguồn cho sự bắt đầu của CiOne. 

Tiếp cận với các mô hình giáo dục trực tuyến khác nhau, Đăng nhận ra những hạn chế của nó và ngay lập tức áp dụng, cải thiện với CiOne. Đó chính là mô hình học với các mentor (những người có kinh nghiệm). Trong hệ thống của CiOne, các mentor sẽ trực online từ 9h-23h hàng ngày để tương tác, điều khiển máy tính (như ở bên cạnh học viên) thông qua phần mềm, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khúc mắc của người học. 

Đăng chia sẻ, khi bắt tay vào công việc, khó khăn nhất với Đăng chính là thuyết phục gia đình tin tưởng vào sự lựa chọn của Đăng (phải từ bỏ một công việc với một mức lương tốt để lao vào dự án). Còn rất nhiều những khó khăn khác như khi chính thức khởi động dự án, số lượng học viên đóng tiền học thật sau khi học thử rất ít. Phải mất 7 tháng lao đao cầm cự nhưng Đăng và cộng sự vẫn kiên trì với mục tiêu cùa mình. “Vì tôi thực sự hiểu được nguyên nhân là do đâu, nắm bắt được nguyên nhân rồi sẽ có cách để khắc phục” - Đăng tự tin.

Với niềm tin vào sự thành công của dự án, Đăng và các bạn lao mình vào chiến đấu. Không có ngày nghỉ, không có khái niệm hết giờ làm, không yêu cầu lợi ích cá nhân khi lợi ích tập thể chưa có, tất cả chấp nhận chuyện ăn mì tôm mỗi tối để thực hiện dự án đến cùng. Đăng tâm sự, mục tiêu lớn nhất khi quyết tâm thực hiện CiOne chính là muốn cải thiện vấn đề đào tạo lập trình viên ở Việt Nam. 

Sẵn sàng đào tạo trước, chi phí trả sau

Dựa trên mục tiêu đó, CiOne sẽ hệ thống hoá bài bản và chi tiết các kiến thức đã học để đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN) hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc lộ trình học tại CiOne sẽ rất linh hoạt nhằm thay đổi theo yêu cầu của các DN. 

Đăng cho biết, với mô hình của CiOne, DN sẽ không tốn quá nhiều công sức, bởi điều quan trọng nhất là thái độ và mong ước của từng học viên. DN sẽ không phải trả tiền trước, “điều duy nhất mà họ cần làm là đặt yêu cầu, còn lại CiOne sẽ lo” - Đăng hài hước. Và Cione tự tin đến mức, chấp nhận đào tạo trước với cam kết sau khi hoàn tất đào tạo, các học viên đạt yêu cầu sẽ làm việc cho DN và DN sẽ chỉ trả chi phí tính trên số lượng học viên họ sẽ nhận vào làm. 

Hiện nay, CiOne mới có khoảng 8.000 học viên tham gia, con số này thấp so với kỳ vọng ban đầu nhưng Đăng khẳng định mình biết được lý do tại sao như thế. “Đó là do mình chưa có kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh khi bắt tay vào dự án là con số 0 nhưng hiện nay đã cải thiện được nhiều, cũng đã có chiến lược phát triển cụ thể rồi” - Đăng chia sẻ. 

Dù mới bước sang năm thứ 2 và vẫn còn đang xây dựng hoàn thiện lộ trình đầy đủ cho sự nghiệp của lập trình viên chuyên nghiệp, CiOne đã đạt được những kết quả thật sự khích lệ đối với các anh em cùng chung tay xây dựng. Những bạn chỉ mới hoàn tất gói lộ trình đầu tiên (Web Design) đã có thể tự tin xin việc và được nhận vào những công ty đang gia công và phát triển website chuyên nghiệp như Cybridge Á Châu, Công ty phần mềm FPT mà không có bằng cấp đại học, cao đẳng về công nghệ thông tin. 

Điều đặc biệt khiến Đăng vui mừng là anh lại có thể tìm những cộng sự thân thiết ngay từ chính những học viên của mình. Có những người sau khi hoàn thành khóa học, hiểu được giá trị mà CiOne tạo dựng đã xin cộng tác, làm các mentor cho các học viên khác, có những người sẵn sang chung tay cho sự phát triển của CiOne. 

Đăng cho biết, các học viên của CiOne không phân biệt độ tuổi, hiện tại có 4 em đang học trung học cơ sở (tuổi từ 14-16) và có những học viên thuộc thế hệ 7x. Mỗi người có mục đích học khác nhau, bạn thì học để tự kinh doanh, người thì học để bổ sung kiến thức. Cũng có cả những bạn sinh viên muốn học để vừa ra trường là có thể được nhận việc ngay và cũng không ít người học để làm thêm, thậm chí là startup. 

Đọc thêm