Khơi thông 3 nhóm điểm nghẽn để kinh tế tăng trưởng bền vững

(PLO) - Ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, song theo các chuyên gia kinh tế, nhiều điểm nghẽn cần được khai thông để Việt Nam duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề trên được đề cập tại Tọa đàm “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam” do Ban Kinh tế TW với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng qua (13/12).

Tăng trưởng chưa phục vụ cho phát triển lâu dài? 

GS Ricardo Hausmann, Giám đốc Trung tâm phát triển Quốc tế, Trường Chính sách công Kenedy, cho biết, ông rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt về xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu trên đầu người của Việt Nam tăng đáng kể, Việt Nam cũng là nước có mức đa dạng hóa xuất khẩu nhanh nhất.

Nếu những năm 1990, giỏ hàng xuất khẩu của Việt Nam là cá, gạo, ít sản phẩm tinh vi thì năm 2000 là da giày, dệt may; năm 2010 là dệt may, đồ gỗ, và bắt đầu xuất hiện sản phẩm điện tử; năm 2015 điện tử, điện máy chiếm ưu thế. Đặc biệt cơ cấu dầu thô trong giỏ hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm dần từ mức 28% năm 1990 xuống còn 5% năm 2015.

“Rõ ràng năng lực sản xuất bây giờ không dựa trên tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ mà  mà là tri thức (Knowledge), là bí quyết, nằm trong bộ não”, GS Ricardo Hausmann khẳng định.

Bí quyết, theo GS Ricardo Hausmann, nó như dải chữ, trong đó mỗi sản phẩm là từ. 1 chữ cái không tạo ra nhiều từ, nhưng 3 chữ cái có thể tạo ra 4 từ, 10 chữ cái có thể tạo ra 595 từ. Khi có nhiều từ thì ghép được nhiều chữ khác nhau. 

“Việt Nam có nhiều chữ cái để ghép thành nhiều từ. Nhưng không phải các tỉnh, thành nào của Việt Nam cũng vậy, họ cần phát triển ngành nghề mới chưa có, phù hợp với tiềm năng địa phương mình”, GS Ricardo đưa ra lời khuyên. Theo ông, cần có chiến lược mang tính riêng việt cho mỗi tỉnh. Ví dụ, các tỉnh tụt hậu có thể dịch chuyển sang các ngành hiện đang tồn tại ở Việt Nam, còn các ngành tiên tiến nên dịch chuyển sang cách ngành mới áp dụng kiến thức học hỏi từ các quốc gia khác.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, tiềm năng sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới được khuyến nghị ở các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao như máy móc điện tử. Bên cạnh đó Chính phủ vẫn cần chú trọng vào các ngành sản xuất và xuất khẩu truyền thống như cây trồng, vật nuôi, may mặc, da giày, khai khoáng… nhưng theo hướng đa dạng hóa và ưu tiên sản phẩm thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Đồng tình với nhận định của GS Ricardo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam vẫn được tán dương tăng trưởng cao và nhanh, nhưng tăng trưởng chưa phục vụ cho phát triển lâu dài, thu nhập đầu người vẫn thấp, chưa tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc. Như khuyến nghị của GS Ricardo thì nền kinh tế Việt Nam cần phải có công nghệ, có kỹ năng, tri thức, có sự kết nối và phân công, trong khi đây vẫn là bài toán khó với Việt Nam. “Theo chiều rộng thì có thể được, theo chiều sâu khó hơn nhiều”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng tỏ ra băn khoăn với kiến nghị về bản đồ năng lực sản xuất mà  GS Ricardo đưa ra, trong đó khuyến nghị mỗi tỉnh cần có chiến lược riêng. Theo vị chuyên gia này, cần có chuyến lược theo vùng và mỗi tỉnh phát huy thế mạnh của mình.

TS Lưu Bích Hồ thì phản bác: “Như sản xuất thép, Bộ Công Thương đã bỏ đi ở miền núi, nhưng lại có vẻ thích thú khi làm ở ven biển. Sơ đồ của GS Ricardo có thể đang không phù hợp. Tính toán dự báo của GS Ricardo rất tốt, nhưng không vào được cuộc sống, không được hiện thực hóa tại Việt Nam”.

Để khai thông điểm nghẽn 

PGS Trần Ngọc Anh đến từ Đại học Indiana thì đặt vấn đề: 3 động cơ của tăng trưởng kinh tế chính là đầu tư nước ngoài, DN nhà nước và DN tư nhân, nhưng sao kinh tế Việt Nam vẫn giảm sút trong thời gian qua? Theo ông, chính là do đầu tư tư nhân ở Việt Nam thấp. Một loại nguyên nhân được chỉ ra song vị chuyên gia này cho rằng cần phải tìm ra điểm nghẽn để xử lý. 

Theo nghiên cứu bước đầu, điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gồm 3 nhóm: Điểm nghẽn trong ngắn hạn gồm bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao; điểm nghẽn trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô; điểm nghẽn trong dài hạn gồm kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Liên quan đến tiếp cận nguồn lực tài chính, theo TS Cẫn Văn Lực, có 10 nguyên nhân gây khó khăn cho tiếp cận tài chính, đặc biệt TS Lực nhấn mạnh các nguyên nhân: Chi phí tài chính còn cao (còn chi phí không chính thức); yêu cầu tài sản bảo đảm chặt chẽ; thị trường tài chính chưa cân đối, đa dạng; hiện tượng chèn lấn tín dụng còn phổ biến; môi trường kinh doanh chưa bình đẳng.

Về nguồn nhân lực, theo TS Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân), điểm nghẽn lớn nhất là tỷ trọng lao động nông nghiệp và kỹ năng thấp của Việt Nam rất cao so với các quốc gia khác cùng mức độ phát triển kinh tế và chế độ giáo dục; cùng với đó là chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế…

Đặc biệt liên quan đến rủi ro thể chế và bộ máy hành chính, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra đây là nút  thắt lớn nhất bởi một số DN có cảm nhận về thái độ không mấy tích cực của chính quyền địa phương đối với khu vực tư nhân. Một số DN có trải nghiệm rằng kết quả công việc phụ thuộc vào chi phí không chính thức. Nỗi ám ảnh thường xuyên là “muốn kinh doanh phải thương lượng với cán bộ thuế”. Đặc biệt, vấn đề đất đai là “cửa ải” khó vượt qua nhất, xét từ phía khả năng tiếp cận cũng như thủ tục hành chính. 

“Nhà nước nên là tác nhân chính đưa ra tầm nhìn đúng đắn cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ chế và chính sách linh hoạt, thu hút và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn này”, chuyên gia người Việt đến từ Đại học Indiana nói.

Đọc thêm