Không có “vùng cấm” trong kiểm tra, giám sát kê khai tài sản cán bộ cấp cao

(PLO) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 29/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy khẳng định sẽ không có “vùng cấm” trong việc thực hiện quy định của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ  thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy khẳng định quy định của Bộ Chính trị sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc và sẽ không có vùng cấm với đối tượng nằm trong quy định.

Vẫn theo bà Thủy, theo quy định của Bộ Chính trị, 3 căn cứ để tiến hành kiểm tra việc kê khai tài sản bao gồm: khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; khi có đơn thư, kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ việc kê khai tài sản không trung thực hoặc khi có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về việc kê khai tài sản không trung thực. Toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chỉ cần có 1 trong 3 căn cứ nêu trên thì sẽ phải kiểm tra, xác minh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bác bỏ lo ngại cho rằng có thể xảy ra né tránh đối với cán bộ cấp cao, dẫn đến việc khó giám sát để quy định được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. “Đây là việc của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao nhiệm vụ nên sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và không có “vùng cấm”, đồng nghĩa với việc không có né tránh”, bà Thủy nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định trên, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công việc thường xuyên vì thế quy định của Bộ Chính trị được người dân đồng tình ủng hộ. “Đây là vấn đề lâu nay cử tri, dư luận quan tâm vì nhiều đối tượng kê khai tài sản nhưng còn mang tính hình thức. Qua kiểm tra, giám sát sẽ xác định xem ai kê khai không trung thực, không đúng để xem xét xử lý từ đó siết lại việc kê khai, làm cho kê khai đi vào thực chất, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng hiện nay”, ĐB Học nhận định.

Thừa nhận với người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát có khó khăn, nhạy cảm nhưng ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng nếu có quyết tâm thì sẽ làm được. “Đây là một trong những vấn đề thể hiện Đảng có trong sạch vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính vì dân không? Phải bắt đầu từ việc rất cụ thể, gắn liền với bản thân của mỗi lãnh đạo”, ông nói.

Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản không hiệu quả là do người kê khai không trung thực, không giám sát việc kê khai và không minh bạch, không để cho người khác có thể kiểm soát được việc kê khai đó.

ĐB Nhưỡng cũng cho rằng việc xử lý với những trường hợp không trung thực trong việc kê khai tài sản thời gian qua chưa cương quyết. “Anh kê khai sai anh phải mất chức vì anh đã sử dụng bản kê khai đó làm điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm, bầu cử. Tôi nghĩ cần phải cương quyết”, ĐB Nhưỡng nêu quan điểm.

Đọc thêm