Không có vùng cấm trong phòng chống hàng nhái, hàng giả

(PLO) - Đây là kiến nghị do ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đưa ra tại buổi lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái hàng năm được Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt (VATAP) tổ chức vào hôm 29/11. 
Cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất phức tạp
Cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất phức tạp

Số vụ bắt giữ chưa tương xứng thực tế

Nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo, ngành kinh doanh hàng giả đang bùng nổ trên toàn cầu; Nguy hiểm hơn, nó chuyển dần từ những sản phẩm vô hại như giấy hay túi xách sang dược phẩm, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Phòng Thương mại quốc tế ICC từng ước tính giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 1.700 tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP khẳng định: “Hàng giả càng nhiều, lượng tiêu thụ lớn thì nền sản xuất công nghiệp của nước ấy không thể phát triển được”. Theo ông Bảo, hiện nay tìm một mặt hàng không có hàng giả quá khó. Trong khi đó, công tác giám định hàng hóa thực sự khó khăn, chưa khắc phục được. Giám định thì kết quả khác nhau, thời gian lâu; kết quả giám định sở hữu trí tuệ (SHTT) chỉ là tham khảo, gây khó khăn cho lực lượng thực thi.

Do đó, ông Bảo kiến nghị Chính phủ có thể cho phép lực lượng thực thi như quản lý thị trường, công an thành lập một hội đồng giám định hàng nhái, hàng giả để có cơ sở pháp lý trong thực hiện đấu tranh với các mặt hàng gian lận thương mại hiện nay. 

Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, số vụ sản xuất kinh doanh hàng nhái bị bắt và xử lý từ năm 2015 có chiều hướng giảm (năm 2015 bắt 13.737 vụ, năm 2016 bắt 5.289 vụ, đến hết tháng 6/2018 bắt 3.007 vụ). Nhưng theo ông Đàm Thanh Thế, kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế diễn ra. Tình trạng sản xuất hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và địa bàn… 

Đặc biệt khó khăn trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái là nhiều doanh nghiệp (DN) chưa chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện xử lý hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái, chưa có ý thức xây dựng, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình trên thị trường. Một số chế tài xử phạt trong lĩnh vực này còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ, tác hại của hành vi nên chưa đủ sức răn đe như đã từng xảy ra với các nhóm hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Ông Thế cũng khẳng định, hiện nay Việt Nam có nhiều cố gắng trong hoàn thiện pháp luật về phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT nhưng tình trạng này vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo ông Thế, các cơ quan chức năng phải xác định công tác này cần phải được tiến hành thường xuyên, tuyệt đối không có vùng cấm trong công tác này. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để kêu gọi người dân không tiếp tay, bao che và phải tẩy chay hàng giả, hàng nhái.

Chủ động đấu tranh

Đây là kinh nghiệm mà nhiều DN đã chia sẻ trong buổi lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái thường niên. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết, ý thức rất rõ việc đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái là cách làm thiết thực để bảo vệ thương hiệu, ngay từ khâu sản xuất, nhựa Tiền Phong đã đánh mã số cho từng sản phẩm cũng như khắc tên thương hiệu lên sản phẩm bằng hệ thống phun màu hiện đại để tăng độ nhận diện thương hiệu và phân biệt với hàng kém chất lượng, nhái, giả nhãn mác. 

Công ty cũng chủ động phối kết hợp với lực lượng chức năng, các cơ quan chuyên trách điều tra, phát hiện ra rất nhiều vụ việc làm giả thương hiệu nhựa Tiền Phong, trong số đó Công an đã đưa 2 vụ án ra xét xử hình sự. Ông Kiên khẳng định, đây là cách hỗ trợ tích cực của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm và DN.

Mới đây, Nhựa Tiền Phong đã thành lập riêng một ban chuyên trách đảm nhận các công tác liên quan đến đấu tranh với hàng giả, hàng nhái. Chưa hết, Hội đồng quản trị Công ty cũng ra quyết định dành hẳn một khoản trong ngân sách công ty hàng năm để chi cho công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Còn bà Trần Thị Thuận, Tổng Giám đốc Traphaco cho biết, ngay từ khi mới bắt đầu bắt tay vào quản lý công ty đã nghĩ đến chuyện phải phòng chống hàng nhái. Ngay từ khi công ty mới cổ phần hóa, dù nguồn vốn chỉ có 9,9 tỷ đồng cùng nột chiếc xe chuyên làm nhiệm vụ phục vụ công nhân nhưng bà vẫn tiến hành đăng ký bảo hộ SHTT những tài sản liên quan đến sản phẩm của công ty. 

“Sản phẩm công ty rất nhiều trong khi đó lực lượng chức năng mỏng, những người làm gian, làm giả lại ở trong bóng tối nên tốt nhất DN hãy luôn tự chủ động bảo vệ tài sản thương hiệu của mình; Chỉ bằng cách ấy giá trị công ty mới tăng lên vì bảo vệ thương hiệu của mình đồng nghĩa với bảo vệ người tiêu dùng” - bà Thuận khẳng định, đồng thời cho biết Traphaco đã thực thi tự bảo vệ từ trong công ty.

Ngoài bộ phận đăng ký SHTT, doanh nghiệp này còn có bộ phận theo dõi cạnh tranh thị trường. Chính bộ phận này đã tự phát hiện rất nhiều sản phẩm của công ty bị làm giả nhãn hiệu; sau khi tìm hiểu kỹ càng, Traphaco mới báo các cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra. 

Đọc thêm