Không để hạn mặn ảnh hưởng sâu rộng hơn

(PLVN) - Phát biểu tại Hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả vùng ĐBSCL 2020 - 2021” sáng nay -17/9, tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành chu kỳ hàng năm, cho nên cần thống nhất quan điểm căn cơ,  không thể để hạn mặn ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước với hơn 300 nghìn ha, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam. 

Mùa khô 2019-2020 diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm hạn mặn (XNM) khoảng 25,12 nghìn ha. Trong đó, cây sầu riêng 9,64 nghìn ha, bưởi 5,74 nghìn ha, chanh 2,34 ngìn ha, chôm chôm 4,61 nghìn ha, hồng xiêm 0,10 nghìn ha và cây ăn quả khác 2,65 nghìn ha.

Vùng thượng nguồn có tỉnh Long An, diện tích bị hạn khoảng 2,5 nghìn ha chiếm khoảng 10 % diện tích hạn mặn toàn vùng. Vùng giữa là trọng điểm phát triển cây ăn quả của ĐBSCL có Tiền Giang, Vĩnh Long diện tích bị hạn mặn khoảng 8,8 nghìn ha (chiếm 35 %). Vùng giáp biển Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, diện tích bị hạn khoảng 13,8 nghìn ha, chiếm tới 55% diện tích hạn mặn cây ăn quả toàn vùng.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện nay nhiều bà con nông dân đang bắt tay vào việc khôi phục vườn cây ăn quả. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kỹ thuật phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn cây ăn quả sau hạn mặn. Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác phòng chống hạn, XNM cho mùa khô 2020-2021 để giảm thiểu những thiệt hại ở mức thấp nhất có thể xảy ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hạn mặn năm 2019-2020 vừa qua gay gắt hơn 2015-2016, nhưng bằng rất nhiều các giải pháp, quyết tâm, từ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương, chúng ta đã vượt qua một năm đầy thử thách. Tuy nhiên, cây ăn quả là cây trồng dài ngày, vốn đầu tư lớn, hạn mặn ảnh hưởng rồi sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng dai dẳng. Do vậy, cần thống nhất quan điểm căn cơ, không thể để hạn mặn ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Tại Hội nghị, Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, XNM mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản. Kịch bản 1, mưa trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế (các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm), khả năng xảy ra XNM ở mức nặng đến rất nặng. Phạm vi XNM 4 g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15-20 km, thấp hơn năm 2015-2016 từ 5-8 km, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km.

Kịch bản 2, mưa trên lưu vực sông Mê Công tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra XNM ở mức rất nặng đến nghiêm trọng. Phạm vi XNM sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-25 km, ở mức tương đương với năm 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020.

Như vậy, XNM trong mùa khô năm 2020-2021 ảnh hưởng đến vùng cây ăn quả có thể xảy ra theo 2 kịch bản: Kịch bản 1, lượng mưa như dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, 3/2021 có khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000 ha diện tích cây ăn trái: Kịch bản 2, lượng mưa thấp hơn dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, 3/2021 có khả năng ảnh hưởng đến gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái...

Đọc thêm