Không đơn vị nào có thể đăng ký độc quyền thương hiệu gạo ST25

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) - trong cuộc trao đổi với báo chí chiều nay (23/4/2021) xung quanh câu chuyện gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ
Rất nhiều đơn bị cùng kinh doanh, sản xuất gạo ST25 đúng luật
Rất nhiều đơn bị cùng kinh doanh, sản xuất gạo ST25 đúng luật

Nhãn hiệu ST25 không được đăng ký độc quyền ở Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) - cho biết, giống lúa ST25 (sản xuất ra gạo ST25) đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 6/3/2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ bằng bảo hộ là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ.
 Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ.

Giống lúa ST25 được bảo hộ tại Việt Nam trong thời hạn 20 năm. Trong thời hạn này thì chủ văn bằng bảo hộ (trong trường hợp này là ông Hồ Quang Trí) được quyền cho phép các đơn vị khác sản xuất và trồng lúa giống ST25. Đây chính là lý do mà hiện nay trên thị trường Việt Nam có rất nhiều đơn vị sản xuất gạo ST25 ở các vùng trồng khác nhau như ST25 ở Long An, An Giang hay gạo ST25 của Bảo Minh hiện đang bán rất phổ biến ở các siêu thị.

Khi thời hạn bảo hộ giống lúa ST25 đã hết thì ai cũng có quyền sản xuất và bán lúa giống ST25 mà không cần phải được ông Hồ Quang Trí cho phép. Do đó, giống lúa hay gạo ST25 là tên gọi chung của một sản phẩm nên không được đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho bất kỳ một đơn vị nào.

“Ngay cả ông Hồ Quang Cua hay Hồ Quang Trí cũng không được đăng ký độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo và cũng không được bảo hộ độc quyền” - ông Bảy khẳng định.

Nói một cách đơn giản nhất, gạo ST25 cũng tương tự như các loại gạo Tám, gạo Bắc hương, gạo Khang dân… Chỉ có điều khác biệt duy nhất là gạo ST25 đã từng đứng trên bục vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và đó là loại gạo đầu tiên của Việt Nam đoạt ngôi quán quân trong cuộc thi lớn nhất về gạo trên toàn thế giới. Chính vì vậy, càng có nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh gạo ST25 thì càng chứng tỏ sự thành công của cha đẻ giống lúa ST25 và mở rộng độ phủ sóng của loại gạo này.

Gạo ST25 có thể được đăng ký sở hữu ở Hoa Kỳ

Theo ông Bảy, gạo là sản phẩm được trồng từ giống lúa nên gạo ST25 là sản phẩm thu hoạch được từ giống lúa ST25 nên nó là tên gọi chung của một sản phẩm. Cùng với đó, quy định của pháp luật các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ cũng sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu.

Cụ thể, đối với Hoa Kỳ, theo Hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên giống cây trồng.

Điều này có thể thấy rõ trong thông báo dự định từ chối ngày 20/11/2020 của USPTO đối với nhãn hiệu “VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 01/9/2020 của  Công ty Transword Foods, Inc. Theo đó, ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa) và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của Quy chế thẩm định nhãn hiệu.

Ông Bảy phân tích, văn bản dự định từ chối của USPTO nêu rõ, theo Luật giống cây trồng và hạt giống, Luật về nhãn hiệu của Hoa Kỳ, quốc gia này cũng sẽ không cho phép đăng ký giống cây trồng làm nhãn hiệu và được hướng dẫn cụ thể trong đơn đăng ký tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó “rice” là tên gọi chung không được bảo hộ cho riêng ai. VietNam là chỉ dẫn địa lý nên phải chứng minh được quyền sở hữu.

Quy trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu tại Văn phòng Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO).
Quy trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu tại Văn phòng Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO). 

Điều quan trọng, trong quá trình xác minh đơn đăng ký, USPTO đã xác định được ST25 là một loại giống cây trồng nên sẽ từ chối bảo hộ cho doanh nghiệp ở Mỹ đã đăng ký sở hữu. “Tóm lại, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào” - ông Bảy khẳng định thêm.

Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.

Do đó, theo ông Bảy, với các trường hợp của 4 DN ở Mỹ đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu gạo ST25, có thể các DN này sẽ được bảo hộ nhãn hiệu gắn với một tên gọi cụ thể (ví dụ ST25 Transword) nhưng sẽ có thêm khái niệm bị loại trừ tức là không bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25. Điều này đồng nghĩa với việc, bất kỳ một đơn vị tổ chức cá nhân nào đấy bán gạo ST25 (ví dụ ST25 Bảo Minh) vào thị trường Mỹ sẽ không vi phạm quyền SHTT của quốc gia này.

Đọc thêm