Khu phi thuế quan nội địa - 'chỗ dựa' phát triển du lịch?

(PLVN) - Nếu biết tận dụng những đặc lợi từ các khu phi thuế quan nội địa, ngành du lịch nước ta sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới, tạo đà thu hút thêm nhiều lượt khách và mở rộng hướng khai thác tiềm năng hơn với các điểm du lịch.
Các khu vực phi thuế quan đang là định hướng mới thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
Các khu vực phi thuế quan đang là định hướng mới thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã từ lâu xác định chính sách phát triển các khu phi thuế quan nội địa, với mục đích tạo ra một loại hình sản phẩm riêng biệt cho du lịch.

Thông thường, hàng hóa nội địa khi được xuất khẩu vào khu vực phi thuế quan sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng, mua sắm phát triển mạnh mẽ, kích thích cho tăng trưởng của du lịch.

Hấp dẫn Outlet

Nhiều quốc gia không ngần ngại mở rộng mô hình Outlet (một trong những dạng của khu phi thuế quan nội địa) nhằm lôi kéo sự quan tâm của khách du lịch. Outlet là nơi khách du lịch có thể tìm mua những món hàng hiệu với giá bán rẻ tới 1/3 so với giá gốc. Sau vài chục năm hoạt động, các nhà bán lẻ đã nhận thấy họ sẽ thu được những khoản lợi nhuận lớn với các chương trình bán hàng giảm giá và cũng là nơi mà du lịch các nước đang định hướng mở rộng. 

Sớm nắm bắt được điều này, Mỹ - quốc gia khởi nguồn của mô hình Outlet, bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp “outlet shopping”, hoàn toàn tách biệt với hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng ở các trung tâm mua sắm.

Hiện đã có tới hơn 15.000 cửa hàng outlet được mở ra khắp nước Mỹ và mỗi năm, các khu outlet này thu hút nhiều du khách hơn cả những điểm tham quan nổi tiếng như các bảo tàng tại Washington DC hay biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ Chuông độc lập (Liberty Bell) tại cố đô Philadelphia của Mỹ. 

Các gian hàng Outlet được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là những sản phẩm nội địa có tên tuổi, nơi khách du lịch có thể mua với mức giá chỉ bằng 1/3 ở các cửa hàng bên ngoài. Las Vegas Premium Factory Outlet là một trong số đó. Được khai trương vào tháng 8 năm 2003, khu mua sắm Las Vegas Premium Factory Outlet ban đầu chỉ có diện tích 435.000 feet.

Nhưng sau một thời gian phát triển, trung tâm thương mại này đã được mở rộng vào năm 2008 và xây dựng lại vào năm 2011. Cho đến nay, đây là địa điểm mua sắm hàng đầu Las Vegas mà các du khách trong và ngoài nước đều yêu thích. Với những người thích mua sắm, trong các chuyến du lịch tới các nước phát triển, như Mỹ, châu Âu, Outlet đã trở thành điểm đến quen thuộc. 

Tại châu Á, hiện nay, mô hình các trung tâm thương mại Outlet được quy hoạch phát triển ngay trong khu vực phi thuế quan đã tạo ra được nhiều dấu ấn mới cho việc phát triển du lịch. Điển hình nhất, ở Hàn Quốc, khi nhắc đến thiên đường mua sắm dành cho khách du lịch, Paju Premium Outlet chính là cái tên được nhiều người biết đến.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPPG: “Việc đầu tư khu phi thuế quan sẽ góp phần thu hút và giữ chân du khách ở dài ngày, đem lại nguồn thu ngoại tệ, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt cũng như tương lai của Phú Quốc”.

Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Tiến: “Sẽ chẳng có mấy người mất công đi hàng chục km từ nội thành TP HCM ra đến Sài Gòn Outlet Mall chỉ để mua vài món hàng giảm giá.

Muốn thu hút được khách, cần phải mở đồng thời các điểm dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn, các hoạt động văn hóa nghệ thuật để khách vừa vui chơi vừa mua sắm. Có như vậy khu Outlet Mall mới thực sự đạt hiệu quả”.

Đây được xem là một mô hình thành công trong việc phát triển trung tâm thương mại nằm trong khu vực phi thuế quan nhằm tạo ra sự khác biệt cho ngành du lịch xứ sở kim chi. Tại khu vực này, số lượng thương hiệu cá nhân ở Hàn Quốc thuộc hàng lớn nhất.

Tất cả mặt hàng ở đây được giảm giá từ 25% đến 65% bao gồm từ quần áo đến đồ trang sức và đồ dùng gia đình. Thậm chí, một số thương hiệu còn bán hàng ở mức giá thấp hơn giá niêm yết ở các gian hàng miễn thuế. 

Khu vực trung tâm Outlet mang đến cho khách hàng những sự tiện lợi khác như chuỗi các nhà hàng, các khu vực giải trí, nghỉ dưỡng. Đối với nhiều khách du lịch khi đến Hàn Quốc, Paju Premium Outlet chính là sự lựa chọn hợp lý bởi họ vừa có thể mua được những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng nhưng cũng vừa tiết kiệm được một khoản tiền kha khá trong chuyến du lịch.

Xu hướng?

Năm 2019, dự án “Xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc, Kiên Giang” được đầu tư bởi Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG đã được dư luận quan tâm. Trong định hướng xây dựng, IPPG cũng cho rằng Factory Outlet là mô hình kinh doanh đã được phát triển và thành công tại các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… IPPG hiện đang có lợi thế nắm giữ hơn 100 thương hiệu quốc tế, cùng với mục tiêu xây dựng khu mua sắm có không gian mở, đa dạng về hàng hóa. 

Điểm đến Factory Outlet được kỳ vọng thành nhân tố chính thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Quốc. Đây cũng chính là mô hình kinh doanh mà Phú Quốc đang cần và rất cần để du khách kết hợp nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống và chi tiêu mua sắm hàng hoá có giá trị cao, mua sắm kết hợp du lịch là mô hình phổ biến ở các nước phát triển và ở các thành phố du lịch trên thế giới.

Với việc đầu tư khu phi thuế quan của IPPG sẽ góp phần thu hút và giữ chân du khách ở dài ngày hơn, đem lại nguồn thu ngoại tệ nhiều hơn cũng như giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt cũng như tương lai của Phú Quốc.

Dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc hứa hẹn sẽ mang lại không gian du lịch mới cho nơi đây.
 Dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc hứa hẹn sẽ mang lại không gian du lịch mới cho nơi đây.

Như vậy, khi xây dựng các khu phi thuế quan nội địa, khả năng mà ngành du lịch được hưởng lợi sẽ là rất lớn. Một mặt, những khu vực này có thể tạo nên nòng cốt thu hút và tăng cường chi tiêu mua sắm của khách du lịch, thỏa mãn tâm lý có “quà mang về” khi du lịch.

Một mặt, tại khu vực phi thuế quan, các mặt hàng, sản phẩm nội địa cũng được giới thiệu, bày bán với mức giá ưu đãi, khi các doanh nghiệp được hưởng chính sách miễn thuế, góp phần tạo nên thương hiệu đặc sắc riêng cho hoạt động du lịch. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu phi thuế quan tại những khu vực tiềm năng lớn về du lịch, các thủ phủ du lịch giúp làm mới không gian du lịch của vùng, mang đến sự hiện đại, văn minh, nơi du khách có thể thoải mái trải nghiệm với đầy đủ những dịch vụ du lịch cần thiết.

Một vai trò quan trọng nữa mà các khu phi thuế quan mang lại đó là việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, thương mại, cung cấp việc làm thêm cho hàng ngàn người và giảm bớt tình trạng thất nghiệp hay hạn chế hơn tính mùa vụ trong yếu tố du lịch. 

Cẩn trọng khi phát triển

Không phải mô hình Outlet nào cũng thành công và nếu du lịch không biết dựa vào lợi thế của khu phi thuế quan để phát triển thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ pha trộn sản phẩm du lịch. Bởi các chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào khu vực phi thuế quan nên các sản phẩm, thương hiệu nước ngoài du nhập vào sẽ nhiều hơn.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm du lịch trong nước bị tiêu thụ chậm lại và phải cạnh tranh quyết liệt hơn. Du lịch cũng sẽ đau đầu khi đối mặt với bài toán khẳng định hình ảnh, thương hiệu đất nước khi đưa du khách đến với những đặc khu này. 

Mặt khác, các Outlet trong khu phi thuế quan nếu không được đầu tư phát triển đúng cách cũng sẽ không thể giữ chân khách du lịch, dẫn đề tình trạng ế ẩm như sự thất bại của nhiều trung tâm thương mại.

Trên thực tế, những hoạt động chiêu thị lôi kéo khách đến vui chơi, ăn uống, mua sắm... theo kiểu hiện đại được nhà đầu tư thực hiện, nhưng cũng không đủ sức giữ chân người tiêu dùng trong dài hạn. Một chủ doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã cố gắng bám trụ ở nơi này gần 2 năm cho biết, ban đầu khi tham gia vào Sài Gòn Outlet Mall rất hồ hởi vì đã từng tham quan nhiều Outlet Mall ở nước ngoài.

Nhưng thực tế ở nước ta lại không đa dạng các sản phẩm giảm giá, cũng không có nhiều hoạt động bên cạnh bán hàng nên càng ngày càng vắng vẻ. Nhiều những khu phi thuế quan tại nước ta được mở ra, nhưng do chưa thể phát triển đúng với mong muốn nên đang lâm vào hiện tượng “chết lâm sàng”.

Bên cạnh đó, nếu phát triển, xây dựng các khu phi thuế quan không đủ tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo hoặc những cán bộ thanh tra không đủ trình độ, tay nghề sẽ dẫn đến việc kiểm định chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ du lịch lỏng lẻo. Đây là nguy cơ cho những cò mồi lợi dụng để moi móc hầu bao của khách du lịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước. 

Việc xây dựng các khu phi thuế quan sẽ mang lại cho ngành du lịch nước ta những bước tiến mới, mở ra tiềm năng khai thác tốt hơn thế mạnh du lịch nước nhà. Tuy nhiên, cẩn trọng khi đầu tư phát triển và vạch ra những bước đi rõ ràng sẽ đảm bảo cho việc tăng trưởng du lịch vững chắc hơn. 

Đọc thêm