Khu vực kinh tế chưa được quan sát: Khi nào “lộ sáng”, khi nào tính vào GDP?

(PLVN) - Các hoạt động kinh doanh có thu nhập qua mạng internet rồi đây sẽ phải quan sát chặt và tính toán vào GDP. Nhưng cũng có những “nghề” vốn đang hoạt động bí mật như mại dâm, thì không thể tính để gia tăng tổng sản phẩm quốc dân, do yếu tố thuần phong mỹ tục của Việt Nam. 
Khu vực kinh tế chưa được quan sát: Khi nào “lộ sáng”, khi nào tính vào GDP?

Mục tiêu là nguồn thu nhập lớn 

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, các khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ dần ra khỏi vòng “bí mật” sau khi cơ quan này thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế này và việc đầu tiên khi tiến hành đề án trên là xác định những hoạt động nào, những thu nhập nào được tính vào tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Hiện TCTK mới bắt đầu những công đoạn đầu tiên khi đã và đang phối hợp với 16 bộ, ngành để nghiên cứu các hoạt động được xem xét tính vào GDP. 

Ví như các hoạt động dùng máy tính, mạng internet để tiến hành hoạt động giao dịch, kinh doanh có thu nhập cũng sẽ được xem xét để đưa vào khu vực kinh tế chưa được quan sát. Do đó, theo bà Hương, các hoạt động sản xuất có thu nhập đang trong vòng “bí mật” sẽ dần lộ diện khi thực hiện đề án này.

Lãnh đạo TCTK lấy ví dụ, có nhiều ngành nghề ở các nước được tính vào GDP, nhưng Việt Nam lại không thể cộng vào như “nghề” mại dâm. Theo bà Hương, Hà Lan đã đưa toàn bộ hoạt động ở “phố đèn đỏ” vào GDP còn Việt Nam thì không thể đưa vào vì hoạt động này không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Việc xác định các hoạt động nào nằm trong phạm vi đo lường của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được thực hiện trong năm 2019. 

Ở một số quốc gia châu Âu, hoạt động của “phố đèn đỏ” được tính vào GDP, nhưng ở Việt Nam thì không thể
Ở một số quốc gia châu Âu, hoạt động của “phố đèn đỏ” được tính vào GDP, nhưng ở Việt Nam thì không thể

Cũng theo bà Hương, khi các hoạt động có thu nhập dần “lộ sáng” thì việc thu thuế là đương nhiên, nhưng cũng có những  hoạt động chưa tính đến việc thu thuế như những người hành nghề xe ôm, bán trà đá… bởi mục tiêu cao hơn của đề án là để lộ diện những đối tượng có thu nhập mà chưa được đưa vào thống kê hàng năm. 

Khó tính kinh tế ngầm và bất hợp pháp

Ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK, khu vực kinh tế chưa được quan sát rất đa dạng, phức tạp và xuất hiện nhiều trong từng lĩnh vực ở đầy đủ các thành phần kinh tế. TCTK dự kiến nghiên cứu và thống kê đủ 5 nhóm như các nước trên thế giới, gồm: Hoạt động kinh tế ngầm; Hoạt động kinh tế bất hợp pháp; Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. 

Trong số này, mới chỉ các hoạt động phi chính thức và tự sản tự tiêu đã được tính toán từ nhiều năm nay. Được biết, Đề án này được triển khai thực hiện từ năm 2019 (với nhiệm vụ xác định các hoạt động nào được liệt kê vào nhóm) và từ năm 2020 sẽ bắt đầu đo lường chính thức, hàng năm sẽ có cập nhật kết quả.

Trao đổi với PLVN, ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (thuộc TCTK) cho hay, đề án này rất khó thực hiện cả về lý luận (xác định phạm vi ranh giới giữa các khu vực) và thực tiễn (thu thập các hoạt động) do đó cần tăng cường chia sẻ hồ sơ hành chính giữa các cơ quan chức năng. Vị này cho rằng, các cơ quan có liên quan phải thực hiện rất nhiều hoạt động đồng bộ thì hoạt động thống kê mới có thể đạt được hiệu quả. 

Ngoài ra, lãnh đạo TCTK cũng khẳng định, việc bỏ sót các thành phần trong khu vực kinh tế đã quan sát cũng sẽ dần được khắc phục trong đề án này khi các đơn vị cùng phối hợp với nhau, đánh giá đúng doanh thu của các thành phần kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK khẳng định, chưa có quốc gia nào đo lường được hết khu vực kinh tế chưa quan sát. Thực hiện nhiều hoạt động đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát nhất là châu Âu. Tính đến nay, các quốc gia châu lục này đã thực hiện 3 cuộc khảo sát để đo lường các hoạt động nói trên. Kết quả cho thấy trong số 45 nước khảo sát có 2 nước không đo lường được, 11 nước không công bố kết quả như Áo, Mỹ, Canada, Úc… Trong số 32 nước công bố kết quả thống kê này (trong giai đoạn 2001 - 2003) thì có 7 nước công bố 3 năm liên tục, còn lại giảm dần theo từng năm. 

Theo kết quả công bố của châu Âu, tỷ lệ của khu vực này so với GDP của từng quốc gia rất khác nhau. Trong đó có 5 nước đánh giá chiếm dưới 5% GDP, 4 nước chiếm từ 21-30%, thấp nhất là Đức với tỷ lệ chưa đến 1%. New Zealand, Thụy Điển, Na Uy xếp tiếp theo với tỷ lệ chiếm dưới 2%. Nhưng cũng có các nước chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới hơn 30% như Gruria, Albani…

Đọc thêm