Khung chính sách cho KTTN - mấu chốt của 'mấu chốt'

(PLVN) - Sự kiện quan trọng bậc nhất của đầu tháng 5, có lẽ là Diễn đàn “Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)” vừa được tổ chức hôm qua (2/5) tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, Diễn đàn thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, khu vực KTTN  và cộng đồng DN trong và ngoài nước, với sự tham gia của khoảng 4.000 đại biểu. 

Đặc biệt, Phiên toàn thể có sự tham gia của 6 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; 3 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng; hơn 40 Ủy viên Ban Chấp hành TƯ và trên 60 lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị về phát triển của KTTN.

Phải nói rằng, đất nước đã có một quá trình dài để nhận thức về KTTN. Quá trình đó đã đánh đổi bằng cả máu và nước mắt, với không ít nghiệt ngã và sự trả giá. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trước đổi mới, kinh tế tư nhân được coi là kinh tế phi XHCN, không có vai trò động lực thúc đẩy nền kinh tế, là đối tượng bị cải tạo và xóa bỏ.

Chỉ sau Đại hội VI (tháng 12/1986) Đảng ta mới có chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, thực chất là chủ trương phát triển KTTN. Như vậy, con đường đến với Diễn đàn lần này đã qua 7 nhiệm kỳ Đảng, có nghĩa là 35 năm.

Từ năm 2005 đến nay, KTTN ngày càng thu hút một khối lượng vốn ngày càng lớn của toàn xã hội, góp phần nâng cao nội lực đẩy mạnh sự phát triển của sức sản xuất và có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Không chỉ tăng thêm về nguồn vốn, KTTN còn có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần tích cực vào tăng trưởng nhanh nền kinh tế. Nhiều thương hiệu lớn của KTTN đã góp phần tạo ra thương hiệu quốc gia thời kỳ hội nhập.

Các nội dung được đưa ra trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn lần này đều là những vấn đề lớn, cấp thiết song cũng rất cụ thể như: phát triển du lịch bền vững; phát triển kinh tế số; thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP; khơi thông vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều vấn đề được nêu lên nhằm kêu gọi sự đóng góp, hiến kế giài pháp để phát triển KTTN.

Các vấn đề kinh tế vĩ mô đã được mổ xẻ, cùng đối thoại chính sách công - tư cởi mở giữa đại diện Chính phủ và khối KTTN. Tiếng nói từ đối thoại của cộng đồng KTTN là cơ sở quan trọng để hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực này sắp tới. KTTN đã và đang chứng minh họ trở thành “rường cột” của đất nước. Hoàn thiện khung chính sách trở thành vấn đề mấu chốt của “mấu chốt”. 

Đọc thêm