Kiểm toán giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế

(PLVN) - Kiểm toán các dự án đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, trước tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm toán giải ngân vốn đầu tư công là lĩnh vực ưu tiên trong kiểm toán vốn đầu tư công…
Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước".
Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước".

Chậm giải ngân và những hệ lụy…

Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) và vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN)", do KTNN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng nay (22/9/2020), ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn ĐTC năm 2020. Số vốn giải ngân tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, mới giải ngân được 159 nghìn tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao); trong đó: vốn trong nước là 145 nghìn tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7,061 nghìn tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7,065 nghìn tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).

“Việc chậm giải ngân vốn ĐTC gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án ĐTC..” - Phó Tổng KTNN nhấn mạnh.

Cụ thể, các hệ lụy do chậm giải ngân được lãnh đạo KTNN chỉ ra, đó là làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay. 

Mặt khác, vốn ĐTC thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Ngoài ra, việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay. Bản thân các DN, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi… 

Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, ngoài các nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn ĐTC hiện nay là do nhiều yếu tố chủ quan, nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao…

Ưu tiên kiểm toán giải ngân vốn đầu tư công

Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của KTNN, Báo cáo của KTNN cho biết, hàng năm, qua công tác kiểm toán các dự án ĐTC, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp NSNN, giảm thanh toán và xử lý khác. 

KTNN cũng có rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban QLDA để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án, kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. 

Kết quả kiểm toán các dự án ĐTC cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý ĐTC, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo lãnh đạo KTNN, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán các dự án ĐTC trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán

Hạn chế lớn nhất được đề cấp đến là quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính công, tài sản công theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng; Mặc dù KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán các dự án đầu tư ngay từ khi khởi công đến hoàn thành công trình nhưng chỉ chiếm số lượng nhỏ trong các dự án, chương trình được kiểm toán hàng năm, còn lại vẫn là kiểm toán sau; Kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư dự án; 

Đặc biệt, trong quá trình kiểm toán các dự án ĐTC chậm giải ngân, dẫn đến đội vốn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội… thì chưa đánh giá hết được tác động.

Đó là những vấn đề trong thời gian tới KTNN cần có các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả, chất lượng công tác kiểm toán, qua đó góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, nhất là đối với các dự án ĐTC để đảm bảo các dự án được giải ngân và hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.

Khẳng định vai trò quan trong của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn ĐTC, nhiều ý kiếm cho rằng KTNN cần xác định kiểm toán giải ngân vốn ĐTC là nội dung ưu tiên trong kiểm toán lĩnh vực ĐTC. 

Đại diện Bộ Tài chính đề nghị,  với các cuộc kiểm toán còn lại của năm 2020 có kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của các dự án đầu tư, bên cạnh việc xác định mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán của một cuộc kiểm toán thông thường cần đưa công tác giải ngân và nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án được kiểm toán là một nội dung để đi sâu kiểm toán, từ đó có kiến nghị phù hợp với các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư, đơn vị được kiểm toán kịp thời giải quyết vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án trong năm 2020.

Đọc thêm